Tấm hộ chiếu của Cơ

Cơ “điên”là cái tên được bạn bè trong giới đặt cho nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ sinh năm 1961. Sau khi làm anh lính trong cuộc Chiến tranh Biên giới từ 1980-1984...

Cơ “điên”là cái tên được bạn bè trong giới đặt cho nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ sinh năm 1961. Sau khi làm anh lính trong cuộc Chiến tranh Biên giới từ 1980-1984, Cơ thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Khoa Điêu khắc. Tốt nghiệp đại học năm 1990, anh về nhà làm nghệ sĩ tự do “bạch định” cho đến nay.

Nhiều người khi được xem tấm hộ chiếu của Cơ không khỏi ngạc nhiên để tự đặt ra câu hỏi: Cơ là ai mà được đi nước ngoài nhiều thế. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Argentina, Israel, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Lào... mà lại toàn là visa làm việc.

Rồi khi biết Cơ là một nhà điêu khắc thì lại càng ngạc nhiên hơn. Điêu khắc ư? Tưởng thế giới người ta chỉ quan tâm đến những chính trị gia, thương gia... hóa ra họ cũng quan tâm đến cả điêu khắc gia nữa à?

Cơ là ai vậy?

Cơ “điên” là cái tên được bạn bè trong giới đặt cho nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ, sinh năm 1961. Sau khi làm anh lính Cụ Hồ trong cuộc Chiến tranh Biên giới từ 1980-1984, Cơ thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Khoa Điêu khắc. Tốt nghiệp đại học năm 1990 về nhà làm nghệ sĩ tự do “bạch định” cho đến nay.

Cơ “điên” làm việc như điên. Hồi còn ở Sân vận động Hàng Đẫy, cái “lều vịt” vừa là chỗ sáng tác, vừa là nơi ăn ở của vợ chồng con cái chỉ chưa đầy một chục mét vuông, mặt tiền được hơn 1 mét. Trời nắng như đổ lửa xuống mặt đường bê tông, Cơ “điên”còn đặt một cái bễ lò rèn rực than hồng để nướng những thanh đồng, rồi đập chí chát. Đó là thời kỳ anh có cảm hứng với sáng tác trên những thanh kim loại. Anh như một bà đồng nát đi thu gom những sợi đồng rồi những máy móc người ta bỏ đi, tháo ra để lấy những chi tiết bằng đồng. Ngôn ngữ điêu khắc của Cơ rất hiện đại để thể hiện những thứ đang mất dần trong cuộc sống hiện tại. Cũng chính vì thế mà những bức tượng của anh gần như “lạc loài” trong làng điêu khắc nước nhà.

Cơ “điên” làm việc như… điên.

Năm 1994, Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 tại Fukuoka (Nhật Bản), điêu khắc trên đồng và sắt, lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự. Qua ba lần gửi các tác phẩm của các nhà điêu khắc “lão làng” sang Nhật nhưng không được chấp nhận, cực chẳng đã vì màu cờ sắc áo, ban tuyển chọn trong nước phải gọi đến Cơ. Cơ là nghệ sĩ điêu khắc duy nhất của Việt Nam được Nhật Bản tuyển chọn 2 tác phẩm tham dự triển lãm và được mời sang dự trại sáng tác tại Nhật Bản một tháng. Đó là lần đầu tiên anh được ra nước ngoài và cũng là lần đầu tiên anh bán được tác phẩm. Hai tác phẩm tham dự triển lãm đã được một bảo tàng của Nhật Bản mua lại.

Sau thắng lợi khởi đầu đó, Cơ cũng không thể có tiền để mở triển lãm riêng. Rất may có một nhà điêu khắc người Đức tên là Johanna theo chồng đang đảm nhiệm chức Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, nghe tiếng Cơ mà đến thăm. Chị mê mẩn ngắm những tác phẩm của Cơ. Rồi quyết định làm cho Cơ một cuộc triển lãm tại trụ sở của Quỹ tiền tệ Quốc tế vào năm 1996.

Cũng vào năm 1996, vợ chồng Cơ dành dụm mua được một mảnh đất 150m 2 tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Có không gian rộng rãi, Cơ chuyển sang làm đá. Anh không muốn tự bó hẹp sự sáng tạo của mình trong một loại chất liệu. Làm đá cực kỳ nặng nhọc mà chỉ có một mình, cũng chẳng có thiết bị hỗ trợ. Một lần khi đang xẻ một tấm đá, Cơ đã bị máy xẻ cắt cả vào 5 ngón tay trái. Anh sang nhà hàng xóm nhờ hỗ trợ. Người hàng xóm nghèo tìm mãi trong nhà cũng không có một mảnh khăn hay mảnh vải nào để băng bó cho Cơ. Máu thì đang chảy thành dòng xuống nền nhà. Anh hàng xóm tốt bụng bèn cởi chiếc áo thun của con trai đang mặc xé ra cầm máu 5 ngón tay cho Cơ. Cũng còn may, chỉ rách thịt chứ không phạm đến xương. Đến bệnh viện khâu lại một tuần sau là lành. Nhưng cái vết thương ở tim Cơ phải nhiều năm sau mới lành. Anh về nhà lục tìm những bộ áo quần của các con rồi còn đi tìm mua chiếc áo thun để trả cho thằng bé hàng xóm. Và hình như từ đấy Cơ cũng ít điên hơn, bởi dẫu cuộc sống của người nghệ sĩ có còn khó khăn thật nhưng cũng còn hơn người nông dân nhiều.

Sau một thời gian làm việc như điên trên chất liệu đá, đến năm 2002 một người bạn là chị Loan Đờleo đã giúp Cơ mở cuộc triển lãm cá nhân lần thứ hai có tên: Những con cá và những dòng sông, trưng bày 19 tác phẩm điêu khắc làm bằng chất liệu đá tại Khách sạn Sofitel Metropole.

Trần Hoàng Cơ được đánh giá là một trong những nhà điêu khắc đương đại gây ấn tượng mạnh nhưng tại sao anh thường ít xuất hiện trong các trại điêu khắc quốc tế trong nước và các cuộc triển lãm trong nước? Đi tìm câu trả lời này ở anh không khó. Là người từng chơi với Cơ đã lâu tôi biết Cơ không muốn bon chen trên mảnh chiếu hẹp kia. Anh cứ lặng lẽ làm việc để cho ra những tác phẩm điêu khắc đẹp, hữu xạ tự nhiên hương, các cụ đã nói rồi. Cái đẹp sẽ tự nhiên tỏa sáng, chẳng cần đến sự vận động hành lang. Đấy là một nhẽ. Nhẽ thứ hai Cơ sống thẳng tuột không biết nịnh bợ ai. Kể ra thì cách ứng xử của Cơ như vậy cũng là trúng. Cơ lao động tự do chứ không có chân trong cơ quan đoàn thể nào nên không thể có chuyện có đi có lại mới toại lòng nhau. Vậy nên cứ là làm cây thông đứng giữa giời mà reo thôi. Một lần trong cuộc triển lãm có một điêu khắc gia tiếng tăm, thường có chân trong hội đồng nọ kia, chìa tay ban phát cho Cơ một cái bắt tay. Cơ “điên” không đưa tay ra bắt đã đành mà còn nói lại: Ông đã làm được bao nhiêu cái tượng rồi mà đòi bắt tay tôi.

Thôi xong. Vậy là Cơ đã bịt nốt cái lỗ bé tẹo để thò chân vào cái manh chiếu hẹp. Trong khi những cánh cửa trong nước gần như đã khép kín trước mặt Cơ thì các trại điêu khắc quốc tế lại thao thiết mời gọi anh. Đây là một sân chơi sòng phẳng. Điều kiện của chúng tôi là ABCD... anh hãy đưa tác phẩm của anh ra đây cho chúng tôi tuyển chọn. Anh đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện chúng tôi đưa ra thì chúng tôi mời anh. Nên nhớ anh sẽ phải tự tay làm tác phẩm của mình từ A đến Z, tự mang máy móc của anh đi.

Cơ cứ lặng lẽ đi rồi lặng lẽ về chẳng cần đến ai tung hô. Nhưng để lọt được vào một trại điêu khắc quốc tế không phải là dễ dàng gì. Trại điêu khắc tổ chức tại Đức năm 2006 hơn 100 người chọn 10 người. Trại điêu khắc quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 hơn 400 tác phẩm điêu khắc dự tuyển để chọn ra 10 tác phẩm, trong đó có tác phẩm của Cơ “điên”...

Các tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ.

Năm 2016, Cơ “điên” tham gia hai trại điêu khắc quốc tế, một ở Ixaraen, một Thụy Sỹ. Đầu năm 2017 anh sẽ tham gia hai trại liền được tổ chức tại Ấn Độ.

Cơ “điên”tâm sự: Ở nước ngoài người ta tổ chức các trại điêu khắc rất chuyên nghiệp, vì đây là một trong những hoạt động văn hóa để người ta quảng bá hình ảnh của đất nước họ. Như ở Argentina có xe cảnh sát đi dẹp đường cho đội xe đưa đón nghệ sĩ điêu khắc đến nơi làm việc. Ở Israel cũng có người đi theo để bảo vệ các nghệ sĩ. Còn ở tất cả các trại đều treo cờ của các nước có nghệ sĩ tham gia, long trọng lắm. Học sinh, sinh viên và các tổ chức cá nhân sẽ đến thăm trại điêu khắc quốc tế. Họ bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ các nghệ sĩ. Khi làm việc đôi khi tôi nhìn vào lá cờ của Tổ quốc mình với niềm tự hào rằng mình đã mang dấu ấn của Việt Nam để đặt lên một mảnh đất có tên là thế giới. Và cũng có một nỗi buồn man mát, rằng cũng cùng là lá cờ Tổ quốc bay trên trường quốc tế nhưng hình như những người làm nghệ thuật, làm văn hóa thì vẫn mãi là hình ảnh áo gấm đi đêm... Thôi, để ngày mai tính. Nói sang chuyện khác vui đi nhà báo. Này nhà báo biết không, Ấn Độ người ta cấp visa hạng thương gia cho tôi đấy. Hì, bây giờ tôi là nghệ sĩ thương gia rồi nhé. Oách không?

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tam-ho-chieu-cua-co-n127300.html