Tạm hoãn đấu thầu băng tần 2.600 MHz

Do một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, việc đấu thầu băng tần 2.600 Mhz để triển khai 4G sẽ được tạm hoãn lại. Cũng có khả năng sẽ không thực hiện đấu thầu nữa.

Thông tin trên được ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng cục Tần số cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT diễn ra mới đây.

Bộ TT&TT sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 sáng ngày 14/7/2017.

Cụ thể, ông Hoan cho biết, sẽ không thể có băng rộng tốc độ cao nếu băng tần hạn chế. Hiệu suất sử dụng phổ tần của LTE không cao hơn nhiều lắm so với HSPA trên cùng một đơn vị tần số. Vì vậy nếu chỉ phát triển 4G trên các băng tần hẹp đã cấp phép cho 2G trước đây thì khó có thể cho dịch vụ 4G tốc độ tăng cao đáng kể so với 3G.

Để giải quyết vấn đề này, về dài hạn cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch băng tần dành cho băng rộng, trong đó đặc biệt lưu ý tới băng tần 700 MHz và điều này phụ thuộc vào kết quả thực hiện đề án số hóa truyền hình. Theo đúng lộ trình thì về cơ bản đến cuối năm nay chúng ta sẽ hoàn thành việc số hóa ở hai vùng trọng điểm là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, băng tần 700 MHz có thể được sử dụng cho băng rộng di động sớm hơn so với dự kiến trước đây.

Về ngắn hạn cơ quan quản lý sẽ thực hiện cấp phép triển khai 4G trên băng tần 2.600 Mhz. Bộ cũng đã có chủ trương và Hội đồng đấu giá cũng đã hoàn thành cơ bản việc xác định giá khởi điểm, hồ sơ mời đấu giá. Tuy nhiên, trước khi triển khai thực hiện thì vướng phải một số khó khăn:

Thứ nhất là vấn đề quản lý của Bộ TT&TT đối với các doanh nghiệp tham gia đấu giá. Bộ phải đóng hai vai: Vừa phải phê duyệt giá sàn để đấu giá lại vừa phải đại diện cho chủ sở hữu vốn doanh nghiệp quyết định giá doanh nghiệp đấu giá. Hai vai trò này khó có thể thực hiện được đồng thời.

Thứ hai là theo phản ánh của hầu hết các doanh nghiệp thì thực tế là chưa thực sự cần tới băng tần 2.600 MHz bởi hạ tầng đang triển khai trên băng tần cũ và nhu cầu sử dụng của người dùng còn chưa hết.

Hiện Bộ trưởng Bộ TT&TT đã quyết định dừng việc đấu giá lại và báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ các khó khăn. Trong đó có thể là đề xuất để cho hoặc là quay trở về phương thức cấp phép trực tiếp hay thi tuyển như trước đây bởi vì thực ra phần lớn các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hoặc nếu tiếp tục đấu giá thì phải có một số giải pháp để giải quyết hai vấn đề nêu trên. Ví dụ như là giao thẩm quyền tự quyết định giá cho doanh nghiệp để Bộ tránh phải đóng hai vai. Hiện Cục Tần số và Hội đồng đấu giá đang nghiên cứu để dự thảo báo cáo Bộ và trình Thủ tướng.

Băng tần 700 Mhz có thể sẽ được sử dụng cho băng rộng di động sớm hơn dự kiến. Việc đấu giá băng tần 2.600 MHz tạm hoãn lại.

Trước đó, đấu giá được coi là hình thức cấp phép băng tần tốt nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch, áp dụng cơ chế thị trường. Theo kế hoạch dự kiến thì đến cuối tháng 6, hồ sơ đấu giá tần số 2.6 GHz cho 4G sẽ chính thức được phát hành và các doanh nghiệp viễn thông sẽ có 3 tháng để hoàn thiện hồ sơ này. Có 4 băng tần 4G để đấu giá, tương ứng với 4 doanh nghiệp được cấp phép 4G (VinaPhone, MobiFone, Viettel và Gmobile). Mỗi doanh nghiệp chỉ được trúng đấu giá tối đa một khối băng tần. Giấy phép sử dụng tần số sẽ có thời hạn trong vòng 15 năm.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201707/tam-hoan-dau-thau-bang-tan-2600-mhz-574256/