Tâm lý đám đông và hệ lụy của việc tự cho mình quyền năng 'tự xử'

Chỉ vì những lời nói thiếu căn cứ, chưa kiểm chứng, rất nhiều người dân đã hùa nhau để gây nên những hành vi vi phạm pháp luật. Mới đây là vụ đốt xe ô tô ở Hải Dương và vụ đánh đập thậm tệ 2 người phụ nữ làm việc tại trung tâm tình thương đi bán tăm dạo do nghi ngờ họ có hành vi bắt cóc trẻ con đã khiến dư luận được phen dậy sóng.

Chiếc xe ô tô của giám đốc doanh nghiệp bị đốt cháy rụi do nghi ngờ thôi miên người dân. Ảnh: TL

Chiếc xe ô tô của giám đốc doanh nghiệp bị đốt cháy rụi do nghi ngờ thôi miên người dân. Ảnh: TL

Những bài học đau đớn

Với sự bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay, một thông tin gây sốc, tò mò có thể lan truyền một cách chóng mặt chỉ bằng một cú nhấp chuột. Đó có thể là những câu chuyện tưởng tượng, trêu đùa mọi người để câu like, nhưng hệ lụy mà nó gây ra thì khó có thể lường trước. Chính những trò đùa dại dột đó của một số người đã khiến cho tâm lý đám đông bỗng trở nên hoang mang, cảnh giác một cách cực đoan bằng bạo lực. Một ví dụ điển hình cho thực trạng đáng báo động trên là câu chuyện, một doanh nhân về quê vợ chơi, bỗng chốc bị người dân bắt giữ, đốt rụi chiếc xe ô tô trị giá hàng trăm triệu đồng chỉ vì bị nghi ngờ thôi miên người dân, bắt cóc trẻ con.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, khoảng 18h ngày 20/7, anh Trịnh Mạnh Hải (37 tuổi, quê Thái Nguyên, Giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi) cùng lái xe Lê Văn Nam (29 tuổi, ở Hà Nội) đi ô tô về xã Tân Việt (huyện Thanh Hà, Hải Dương). Qua cửa hàng đồ gỗ của gia đình anh Phạm Đắc Bắc (33 tuổi, ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc), anh Hải vào hỏi mua đồ mộc. Khi vị khách đang nói chuyện với chị Quyên (vợ anh Bắc) thì người phụ nữ này thấy chóng mặt. Cho rằng mình bị thôi miên nên chị Quyên chạy ra ngoài hô hoán. Ngay sau đó, người dân địa phương tụ tập giữ và đòi hành hung 2 người đàn ông trên ô tô. Một số người đã kích động người dân lật chiếc ô tô rồi đập phá, đốt cháy xe.

Một câu chuyện tương tự là việc 2 người phụ nữ làm việc tại trung tâm tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội), khi đi bán tăm dạo trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã bị người dân vây đánh thậm tệ do nghi ngờ có hành vi dụ dỗ, bắt có trẻ em. Khoảng 11h15 ngày 22/7/2017, chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) và chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) đến thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) bán tăm bông để gây quỹ tình thương. Khi đến nhà cháu Đinh Huy Anh (SN 2012, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), hai người phụ nữ có hỏi bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm. Bất ngờ, bà Nguyễn Thị Tốt (bà nội cháu Anh) hô hoán 2 chị này bắt cóc trẻ em. Một số người dân thôn Thái Phù đã nghe theo, đuổi đánh khiến chị Bảy và chị Phúc bị trọng thương.

Liên quan tới hai câu chuyện nói trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Lê Văn Khương (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, ở câu chuyện đốt xe, khi cơ quan chức năng điều tra rõ đối tượng gây ra vụ việc thì hoàn toàn có thể xử lý về tội danh “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Để có căn cứ, cơ quan chức năng cần tiến hành giám định giá trị hiện tại của chiếc xe ô tô. Tương tự, việc 2 người phụ nữ bán tăm bị hành hung nhầm, những đối tượng liên quan sẽ bị xử lý về tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo đó, khi giám định sức khỏe, nếu hai nạn nhân có tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên (hoặc dưới 11% nếu có tính chất côn đồ, các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm, nạn nhân là người già…) thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố những đối tượng liên quan. Tuy nhiên, do đây là trường hợp khởi tố theo đơn yêu cầu của bị hại nên yếu tố bắt buộc là các chị Bảy và Phúc phải có đơn đề nghị xử lý những đối tượng hành hung mình.

Cần có những biện pháp ngăn chặn

Trước thực trạng trên, câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu tối đa những câu chuyện tương tự có thể xảy ra. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn An Việt Sơn bày tỏ quan điểm: Việc nhiều người dân có hành vi quá khích, nếu không muốn nói là tiêu cực có thể hiểu một phần là do các vụ bắt cóc trẻ em gây hậu quả đau lòng diễn ra khá nhiều, nhưng các cơ quan chức năng chưa có những biện pháp ngăn chặn thực sự hiệu quả. Nhưng cũng không phải vì lý do đó, mà chúng ta bao biện cho hành vi người dân bắt oan, hành hung nhầm người vô tội chỉ vì sự nghi ngờ thiếu căn cứ. Đây là hành vi rất nguy hiểm, đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý triệt để.

Nói về giải pháp, ông Chất cho rằng, điểm cốt lõi để giải quyết mọi hành vi là thay đổi nhận thức. Chính vì vậy trước hết cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật liên quan đến việc bắt, hành hung, phá hoại tài sản người khác và hậu quả pháp lý mà họ có thể phải gánh chịu khi thực hiện hành vi quá khích, trái pháp luật. Từ đó, giúp cho người dân có những hành động, ứng xử đúng khi phát hiện, bắt giữ người khác, kể cả trong trường hợp bắt, giữ người phạm tội quả tang.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nhận định: “Đối với những hành vi xâm hại tới tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác, nhất là hành hung nhầm người, hủy hoại tài sản đối với người vô tội cần phải được cơ quan chức năng xử lý một cách cứng rắn, nghiêm khắc. Điều quan trọng cuối cùng là, nhà chức trách cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm bắt cóc trẻ em, buôn bán người, cướp giật đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Góp phần tạo nên một môi trường sống văn minh, an toàn. Có như vậy, tình trạng người dân “tự xử” thay cho pháp luật mới được ngăn chặn từ gốc rễ”.

X.Thắng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-ly-dam-dong-va-he-luy-cua-viec-tu-cho-minh-quyen-nang-tu-xu-20170725110218352.htm