Tầm nhìn dài hạn trong bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Một số người dân tự ý xây dựng tại gò Kim Châu trong hồ Văn, quét vôi lại không đúng mầu nguyên gốc, có nguy cơ sập đổ tường hoa quanh giếng Thiên Quang... Những sự việc nêu trên cho thấy cần có chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám một cách lâu dài, mà trước hết là sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể.

Vài tuần gần đây, đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), khách tham quan không thể đến gần giếng Thiên Quang, đoạn gần Khuê Văn Các và khu vực gần cổng Đại Trung. Nguyên nhân là do hai đoạn móng tường lan can này bị trôi, khiến tường lan can có thể sập xuống, vừa mất mỹ quan, vừa gây nguy hiểm cho khách tham quan. Theo đại diện Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự cố này xảy ra từ cuối tháng 3. Khảo sát bước đầu cho thấy, móng lan can bao quanh giếng Thiên Quang được xây bằng gạch vồ, vữa vôi, theo thời gian dần bị bào mòn gây ra tình trạng trên. Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải làm dải phân cách mềm, nhắc nhở khách tham quan không được đến gần. Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã đồng ý tu sửa cấp thiết để khắc phục. Hiện các cơ quan đang khảo sát để tìm giải pháp tu sửa hợp lý.

Sự việc tường lan can có nguy cơ sập chỉ là một trong nhiều sự cố khác nhau xảy ra trong thời gian qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tháng 9-2016, một số hộ dân đã tự ý chuyển vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu (nằm trên hồ Văn, thuộc quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám) để sửa chữa, nâng cấp một am thờ. Đáng chú ý, am thờ này cũng do một số hộ dân tự ý xây lên từ những năm 1990. Từ trước đến nay, sai phạm xảy ra trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích chủ yếu do ban quản lý các di tích xây dựng, sửa chữa làm sai lệch. Việc các hộ dân tự ý xây công trình trong khuôn viên di tích, tự ý sửa chữa là một trường hợp hy hữu. Phải mất một tháng sau, UBND TP Hà Nội mới giao UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan tháo dỡ. Việc tháo dỡ chỉ được tiến hành với phần cơi nới thêm chứ không tháo dỡ hoàn toàn. Theo các nhà nghiên cứu, gò Kim Châu trước đây vốn là nơi các nho sĩ bình thơ, không có bất kỳ công trình tâm linh nào mà chỉ có một tấm bia đá dựng dưới thời vua Tự Đức, năm 1865. Việc xây dựng công trình tín ngưỡng tại đây vừa không có cơ sở khoa học, vừa xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc bảo tồn di tích. Liệu có xử lý triệt để công trình trái phép này hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Sự việc cũng bộc lộ một điểm yếu trong quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu vực hồ Văn gần như bị lãng quên. Đầu năm 2017, dư luận ồn ào khi quét lại vôi trong khu di tích này. Mặc dù đây là hoạt động duy tu thường lệ, nhằm bảo đảm các cấu kiện không bị hư hại thêm bởi rêu phong, nấm mốc, nhưng việc chọn mầu vôi ve chưa hợp lý khiến nhiều người băn khoăn vì di tích trông “mới quá”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt. Những tấm bia đá tại đây được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Một di tích có tầm quan trọng như vậy nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra nhiều sự cố khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Bên cạnh đó, một số hạng mục, nhất là Khuê Văn Các đang bị xuống cấp mà chưa được xử lý kịp thời. Đó là chưa nói đến việc phát huy giá trị di tích hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở việc giới thiệu, quảng bá phần vật thể của di tích. “Phần hồn” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là truyền thống hiếu học, phương pháp giáo dục, là đạo đức thầy trò, là việc rèn đức song hành luyện tài chưa được phát huy xứng đáng. Một số hoạt động tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn được đánh giá là chưa xứng tầm.

Tháng 3-2017, Chính phủ đồng ý chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị trực tiếp thực hiện. Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, những năm qua, có rất nhiều ý kiến, báo cáo đề xuất phương án nâng cao hình ảnh, phát huy giá trị Văn Miếu. Trong đó, cùng với bảo tồn, có nhiều ý kiến hữu ích liên quan đến những vấn đề cấp thiết như: phát triển các hoạt động văn hóa - dịch vụ phục vụ cho du khách tại khu vực nội tự, Vườn Giám và hồ Văn; kết nối Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các điểm như Bảo tàng Mỹ thuật, Hoàng thành Thăng Long và làng khoa bảng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm)… Một trong những điểm “nóng” sẽ được quan tâm là chỗ đỗ xe. Hiện muốn tham quan, khách phải gửi xe tại khu Vườn Giám. Bãi đỗ xe tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ngay trong khuôn viên di tích gây mất mỹ quan là chuyện ai cũng biết nhưng cần có giải pháp phù hợp khi xây dựng và triển khai quy hoạch, nhất là ở địa bàn diện tích đất đai chật hẹp như khu vực này. Tiến độ lập quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dư luận trông đợi. Song, cũng cần thực hiện hết sức cẩn trọng, cả về phần bảo tồn giá trị vật thể, lẫn phát huy các giá trị, các hoạt động khai thác để có được một quy hoạch xứng tầm và có khả năng triển khai trên thực tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32725302-tam-nhin-dai-han-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-mieu-quoc-tu-giam.html