"Tâm trí tôi luôn hướng về quê cha đất tổ…”

Thầy Thích Huyền Diệu: “Tôi luôn mong ước có cơ duyên làm việc gì tốt cho đất nước, để tri ân một đất nước mà tôi được sinh ra, để nhớ công ơn cha mẹ, thầy tổ và bạn bè"

LTS: Thượng tọa Thích Huyền Diệu là người có công xây dựng 2 ngôi chùa mang tên Việt Nam Phật quốc tự tại Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật ra đời ở Nepal và Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ – nơi Đức Phật thành đạo. Từ ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở Nepal, ngày nay tại nơi này đã có 30 ngôi chùa của các quốc gia, hình thành nên Liên Hợp quốc Phật giáo. Không chỉ là một nhà tu hành, Thượng tọa Thích Huyền Diệu còn là một nhà hoạt động xã hội từ thiện. Ông cũng là người có công lớn trong việc đưa ra giải pháp hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 10 năm ở đất nước Nepal. 40 năm sinh sống, học tập và hành đạo ở nước ngoài, nhưng mong muốn được làm nhiều điều có ý nghĩa cho dân tộc vẫn luôn là niềm đau đáu trong suy nghĩ của Thượng tọa Thích Huyền Diệu. Năm 1987, thầy Huyền Diệu bắt tay vào xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), nơi Đức Phật Thích-Ca ngồi dưới cội Bồ Đề thành đạo cách nay gần 3 thiên niên kỷ. Món quà tinh thần này thầy dâng tặng quê hương xứ sở. Lúc đó thầy là người Việt đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, lại bị dèm pha, sao không xây chùa ở nơi có nhiều người Việt sinh sống mà lại xây ở đây... Trải qua bao gian nan vất vả, thầy cho rằng: nhờ hồn thiêng sông núi và sự cầu nguyện của thầy cùng với những đóng góp của phật tử khắp nơi, ngôi chùa đã hoàn thành. Theo thầy Huyền Diệu, ngôi chùa với cấu trúc hình vuông và 2 mái cong vươn cao giữa những hàng cây, như đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy, tỏa hương thơm nhằm góp phần mang lại sự trong sáng, tinh khiết, tô điểm cho cuộc sống mỗi ngày thêm thăng hoa và ý nghĩa. Đồng thời, kiến trúc của ngôi chính điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thầy Huyền Diệu cho biết: “Không bao giờ tôi quên đất nước Việt Nam và luôn tâm nguyện rằng: trước khi nhắm mắt phải làm điều gì đó để cám ơn đất nước đã sinh ra mình, đất nước mình đã từng uống nước - gắn bó rất nhiều năm. Cho nên, cách đây 40 năm, khi tôi đến đất Phật, tôi thấy ở đó không có ngôi chùa Việt Nam nào, mà các nước trên thế giới đều có ngôi chùa. Tôi đã rất buồn. Khi đó, đất nước mình lúc đó đang ở trong thời kỳ chiến tranh, nên không ai dám tin rằng Việt Nam có thể có ngôi chùa ở trên đất Phật. Nhưng tôi vẫn khấn nguyện rằng, trước khi nhắm mắt xin được nhìn thấy ngôi chùa Việt Nam ở gần cõi Bồ Đề. Sau bao nhiêu khó khăn, cùng với sự giúp đỡ, thúc đẩy của bạn bè, học trò tôi và các tăng ni phật tử bây giờ chúng ta đã có ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc tự trên đất Phật.” Ngôi chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ hoàn thành tưởng như đã thỏa tâm nguyện của thầy Thích Huyền Diệu. Thế nhưng cơ duyên lại đến với thầy một lần nữa. Thầy kể, lần đầu đặt chân đến Lâm Tỳ Ni ở Nepal, thầy bàng hoàng đến rơi nước mắt vì sự điêu tàn của nơi Đức Phật giáng trần. Ở bất cứ đâu thầy cũng đem Lâm Tỳ Ni ra thuyết giảng. Thầy so sánh Lâm Tỳ Ni của Phật giáo cũng giống như thánh địa Mecca của Hồi giáo, Vatican của Thiên Chúa giáo, hay Jerusalem của Do Thái giáo. Câu chuyện này đã khiến vua Nepal xúc động. Nhà vua đã cho máy bay riêng chở thầy tới Lâm Tỳ Ni và cấp đất để dựng chùa. Vậy là ngôi chùa Việt Nam thứ hai được dựng lên vào năm 1993 tại nơi Đức Phật giáng trần. Không dừng lại ở đó, thầy Huyền Diệu ra sức bảo vệ và phát triển Lâm Tỳ Ni bằng cách thuyết phục mỗi nước trên thế giới tới đây cất một ngôi chùa giống hình mẫu tổ chức Liên Hiệp Quốc. Đến nay, đã có 30 nước trên thế giới đến xây dựng chùa và chùa Việt Nam là chùa đầu tiên. Không chỉ vậy, trong nhiều năm sống tại Nepal, thầy Huyền Diệu còn đóng góp cho tiến trình hòa giải ở đất nước này bằng sức mạnh hòa giải của tình thương. Thầy Huyền Diệu cho rằng, tình thương là quà tặng đáng giá nhất trên đời và lòng độ lượng là phép màu kỳ diệu, làm cho những gì tan vỡ sẽ được hàn gắn, nỗi đau sẽ trở thành niềm hạnh phúc: “Trong cuộc đời chúng ta có rất nhiều điều mầu nhiệm, mà phải bình thản lắm mới thấy được. Khi tôi đến Nepal, đất nước đang hòa bình thì đột nhiên xảy ra nội chiến, chia làm nhiều phe. Tôi là người đầu tiên thuyết phục nhà vua và các phe phải ngồi lại với nhau. Nhưng lúc đầu họ không nghe, và để xảy ra chiến tranh kéo dài tới 10 năm, làm thiệt mạng mười mấy nghìn người. Quá trình thuyết phục của tôi rất gian nan, tôi đã phải đến gặp Nhà vua tới 9 lần, đích thân vào mật khu của các phe để thuyết phục họ buông súng. Và giải pháp mà tôi đưa ra để chấm dứt chiến tranh ở Nepal là phát triển tình thương và lòng độ lượng của mình để hàn gắn, hòa giải, và chinh phục kể cả kẻ thù”. Với những Phật tử đã một lần được gặp và nghe thầy Huyền Diệu thuyết pháp, đều tỏ lòng kính trọng về một con người kỳ diệu, dám nghĩ dám làm những chuyện to lớn, hữu ích, mang lại niềm vinh dự cho Phật giáo, cho đất nước. Chị Trần Khánh Vân, một Phật tử ở Hà Nội chia sẻ cảm nhận: “Theo tôi hiểu, một cách tâm linh, thầy giống như một vị Phật sống. Ngôi chùa đã mang hình ảnh của quốc gia – dân tộc đến nơi đất Phật. Việc làm của thầy ngoài công sức bỏ ra rất lớn, còn có ý nghĩa lớn lao về mặt tâm linh và ý nghĩa về chính trị xã hội. Việc làm của thầy là một điều vi diệu, tuyệt vời. Nghe thầy thuyết pháp, tôi nghĩ rằng, Phật pháp cũng rất đời thường. Nếu mọi người có thể nhân tình thương, lòng độ lượng ra toàn xã hội thì xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp, an lạc”. Giản dị và minh triết, thầy Huyền Diệu cho rằng, trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều màu nhiệm. Tuy nhiên, sự màu nhiệm không phải là trong cổ tích, không bí ẩn như huyền thoại, mà mỗi người hãy luôn tâm niệm làm việc thiện sẽ gặp được nhiều phép lạ ngay trong cuộc sống, bởi sự màu nhiệm bắt nguồn từ sự thành tâm của mỗi người. Là một người luôn hướng về quê hương đất nước, trong cuốn sách của mình "Khi hồng hạc bay về", thầy Huyền Diệu tâm sự: "Tâm trí tôi thường hướng về quê cha đất tổ và luôn mong ước có cơ duyên làm việc gì tốt cho đất nước, để tri ân một đất nước mà tôi được sinh ra, để nhớ công ơn cha mẹ, thầy tổ và bạn bè"./. Huyền Trang

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/tam-tri-toi-luon-huong-ve-que-cha-dat-to/20105/145100.vov