Tận diệt thủy sản trên hồ Trị An

Trong thời gian chờ ý kiến của các nhà khoa học đánh giá tác động của nghề te để có cơ sở cho các cơ quan chức năng đề ra biện pháp xử lý thì trên hồ Trị An, thủy sản vẫn đang bị tận diệt mỗi ngày bởi ngư cụ trên.

Các ghe te tận diệt thủy sản trên hồ Trị An bị kiểm lâm bắt quả tang

Các ghe te tận diệt thủy sản trên hồ Trị An bị kiểm lâm bắt quả tang

Mới đây, cử tri xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu lại đề nghị UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và các ngành chức năng làm việc với Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa (KBTTNVH) Đồng Nai về việc cấm các ghe te ủi tận diệt cá trên hồ Trị An. Theo kiến nghị của cử tri việc này phải làm thật nghiêm để bảo đảm cuộc sống cho các hộ đánh bắt cá đúng quy định trên hồ Trị An.

Đe dọa sự đa dạng của khu bảo tồn

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc KBTTNVH Đồng Nai cho biết hồ Trị An với diện tích 32.400 hécta, nằm trên địa giới hành chính của 5 huyện, 14 xã thuộc tỉnh Đồng Nai. Hồ Trị An là một hợp phần bảo tồn đất ngập nước nội địa, đây là một khu vực có hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của khu vực miền Đông Nam bộ, có giá trị đa dạng sinh học cao, tài nguyên thủy sinh vật phong phú, đa dạng.

Trao đổi với PV về hoạt động mang tính tận diệt của ghe te, ông Hảo cho biết: “Ghe te thường ủi dưới nước ở độ sâu từ 2 - 6 mét, ở độ sâu này thì vào mùa nước cạn gần như ủi sát đáy hồ, cùng với việc sử dụng loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để ủi cá cơm như hiện nay sẽ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, không tốt cho bảo tồn đa dạng sinh học, không được khuyến khích thực hiện, nhất là tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Trong khi đó, hồ Trị An là hợp phần bảo tồn đất ngập nước nội địa thuộc KBTTNVH Đồng Nai, một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai”, ông Hảo phân tích.

Cũng theo ông Hảo, trong quá trình te hoạt động, việc đặt càng ủi dưới nước ở độ sâu như trên nên thường phá hỏng các loại ngư cụ khai thác thủy sản khác đặt cố định như câu, lưới, lợp,... Do đó, đã có hàng trăm ngư dân thuộc các xã La Ngà, Phú Ngọc - huyện Định Quán và xã Mã Đà - huyện Vĩnh Cửu gửi đơn kiến nghị đến khu đề nghị cấm triệt để nghề te trên hồ Trị An.

Từ năm 2010 đến nay, Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn đã bắt giữ, xử phạt vi phạm hành chính 34 trường hợp, ngoài ra còn rất nhiều vụ phát hiện nhưng các đối tượng đã vứt bỏ đi-na-mô xuống hồ để phi tang tang vật vi phạm. “Đây là hoạt động hủy diệt nguồn lợi thủy sản mà trong thời gian qua ngư dân trên hồ Trị An rất bức xúc, kiến nghị nhiều”, ông Hảo nói.

“Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai cấm 133 ghe te hoạt động trên hồ Trị An”, ông Hảo nói.

Cơ quan chức năng loay hoay xử lý

Ngày 7/5/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 06/2015 quy định về việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững của vùng ngập nước nội địa hồ Trị An, theo đó tại khoản 4 Điều 10 quy định cấm đánh bắt thủy sản đối với 6 ngư cụ, trong đó có ngư cụ te các loại kể từ ngày 1/1/2016.

Tuy nhiên khi quyết định cấm của tỉnh Đồng Nai được ban hành thì 133 chủ ghe te liên tục gửi đơn khiếu nại đề nghị hủy bỏ quyết định trên. Đến ngày 20/7/2016, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp có kết luận: “quy định tại khoản 4 Điều 10 Quyết định số 6 của UBND Đồng Nai là không có cơ sở pháp lý”.

Tiếp đó, thực hiện văn bản chỉ đạo số 10275 ngày 31/10/2016 của UBND Đồng Nai về việc giải quyết kiến nghị liên quan đến việc khai thác thủy sản trên lòng hồ Trị An, ngày 23/11/2016 KBTTNVH Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền và người dân địa phương tổ chức Hội nghị đối thoại người dân về việc thống nhất các giải pháp quản lý khai thác thủy sản trên hồ Trị An.

Theo đó, trong thời gian chờ ý kiến của các nhà khoa học đánh giá tác động một số nghề khai thác thủy sản trên hồ Trị An, trong đó nghề te để có cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 6 ngày 7/5/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai. Hội nghị trên kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành chức năng cho phép KBTTNVH Đồng Nai ký hợp đồng tạm thời có điều kiện khai thác thủy sản bằng nghề te với thời hạn 6 tháng 1 lần đến khi có quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 6 ngày 7/5/2015 của UBND Đồng Nai.

Mới đây nhất, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo giữa các nhà khoa học và các cơ quan chức năng liên quan để đánh giá tác động của ghe te đối với việc khai thác thủy sản trên hồ Trị An. Tuy nhiên sau khi hội thảo, vẫn chưa có kết luận cuối cùng đối với tác động của ghe te. “Hiện hội thảo khoa học vẫn chưa có kết quả nên các biện pháp xử lý đối với ghe te vẫn chưa thống nhất”, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nói.

Và như vậy, tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt vẫn đang hàng ngày diễn ra công khai, hợp pháp.

Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tan-diet-thuy-san-tren-ho-tri-an-325125.html