Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng

KTĐT - Trong số những đoàn DN nước ngoài tham gia Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam - VIIF 2009 đang diễn ra tại Hà Nội (20 - 24/10), gian hàng quốc gia Liên bang (LB) Nga có quy mô lớn nhất với mặt mặt bằng trên 1.000m2 trưng bày được thiết kế ấn tượng và nổi bật, mang đậm bản sắc của xứ sở bạch dương.

Là một khách hàng quen thuộc của hội chợ nhiều năm qua, đoàn DN Nga tham gia hội chợ lần này quy tụ tới 57 tập đoàn và công ty đại diện cho nhiều lĩnh vực thế mạnh của đất nước này mà Việt Nam (VN) đang có nhu cầu như dầu khí, khai thác mỏ, giao thông vận tải, quốc phòng, năng lượng hạt nhân… Bộ trưởng Bộ Công thương LB Nga Khristenko V.B. đánh giá: Tiềm năng hợp tác công nghiệp giữa VN và Nga là rất lớn, có nhiều cơ hội phát triển thành công trong tương lai. Trước hết, thăm dò và khai thác dầu khí, phát triển năng lượng điện là những lĩnh vực hợp tác có nhiều kinh nghiệm và hiệu quả. Trong lĩnh vực khai thác mỏ, giao thông vận tải và đặc biệt là quốc phòng, hai bên cũng đã có truyền thống hợp tác lâu dài và tin cậy lẫn nhau. Các lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác, trong đó phát triển điện hạt nhân, xây dựng công nghiệp lọc hóa dầu đang là nhu cầu cấp thiết của VN hiện nay mà Nga lại có thế mạnh. Còn đối với thị trường Nga rộng lớn, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, hàng công nghiệp nhẹ là rất lớn và tương đối dễ tính. Các sản phẩm dệt may, da giày cùng nhiều sản phẩm công nghiệp nhẹ khác có xuất xứ VN là những lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng Nga, bởi tính đa dạng, phong phú mà giá bán lại cạnh tranh. Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), tổng kim ngạch xù́t nhập khẩu (XNK) giữa VN và LB Nga năm 2008 đạt 1,641 tỷ USD, tăng 62,4% so với năm trước. Nửa đầu năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, con số này chỉ đạt 820 triệu USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quan hệ đầu tư, LB Nga hiện đứng vị trí thứ 25 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Năm ngoái đã có 59 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 376,36 triệu USD và vốn thực hiện trên 233 triệu USD được các DN Nga triển khai tại VN, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, chế biến cao su, chế biến thực phẩm… Ngược lại, VN có 11 dự án đầu tư sang nước bạn với số vốn trên 34 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép và sản xuất đồ gỗ. Riêng 6 tháng đầu năm nay, LB Nga có 2 dự án đầu tư mới vào VN với tổng vốn đăng ký 329,8 triệu USD, đứng thứ 5 trong 35 nước có đầu tư trực tiếp tại nước ta. Đúng như câu nói của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại VN - KovtunA.G, “mọi khủng hoảng không chỉ có thách thức mà hàm chứa cả cơ hội”. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự tham gia đông đảo của DN hai nước tại Triển lãm hàng VN tại Nga hồi tháng 9/2009 và VIIF lần này. Tiềm năng hợp tác kinh tế hai bên rất lớn, song theo nhận định của chuyên gia hai nước, đến nay hợp tác Việt - Nga về cơ bản mới chỉ kế thừa các dự án, những định hướng và hình thức đã có từ thời Liên Xô cũ chứ chưa hình thành dự án mới nào có tầm cỡ quốc gia. Bên cạnh đó, DN hai bên tham gia quan hệ thương mại chủ yếu vẫn là DN nhỏ và vừa, hay ngại khó, sợ rủi ro, chưa mạnh dạn đi sâu tìm hiểu nắm bắt thông tin, nhu cầu hợp tác và tận dụng cơ hội, dũng cảm vượt qua những rào cản tâm lý để hợp tác với nhau. Hơn nữa, Nga là thị trường mở, thông thoáng, dễ kiếm lời song có độ rủi ro cao. Chính vì thế khi vào thị trường Nga, mọi đối tác buộc phải đối đầu với cạnh tranh gay gắt về cả vốn và hàng hóa. Ngoài ra, Nga thường xuyên áp dụng những rào cản kỹ thuật bằng thuế quan và phi thuế quan để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, như các lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu thủy hải sản, thịt đông lạnh… Rủi ro trong cơ chế thanh toán, những bất cập trong khâu thủ tục hành chính, thủ tục hải quan… cũng là rào cản gây tâm lý cho các DN VN khi quan hệ với thị trường Nga. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho rằng: Để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai bên, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời với những chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ về vốn, thuế XNK hay xúc tiến thương mại, các DN VN cần mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đầu tư thích hợp cho quảng bá thương hiệu. Về phía DN Nga, nên đổi mới cách thức tiếp cận hợp tác kinh doanh, đầu tư tại VN. Chính phủ Nga cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, ổn định môi trường vĩ mô, hoàn thiện hệ thống thanh toán và thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hàng hóa VN thâm nhập thị trường rộng lớn này dễ dàng hơn. Có như vậy, mục tiêu hai bên đạt giá trị trao đổi thương mại 3 tỷ USD vào năm 2010 và 10 tỷ USD vào năm 2020 mới có thể thành hiện thực. Bài, ảnh: T. Linh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=45&newsid=180630