Tận dụng phế phẩm gỗ, thu trăm triệu đồng/tháng

Với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, anh Nguyễn Anh Hợp, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư mở xưởng gia công tranh ghép gỗ, bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Anh Hợp cùng nhân công hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ của anh Nguyễn Anh Hợp (25 tuổi) có diện tích chỉ hơn 20m2. Tại đây, các lao động làm việc trên những chiếc máy mài thô sơ, đơn giản. Không gian nhỏ hẹp là thế nhưng mỗi tháng cơ sở này xuất xưởng hàng ngàn sản phẩm tranh ghép gỗ mang về cả trăm triệu đồng.

Những phế phẩm bỏ đi của nghề mộc qua bàn tay khéo léo của người thợ trở thành những bức tranh ghép gỗ đặc sắc, đáp ứng nhu cầu thị trường trên thế giới.

Anh Hợp chia sẻ: "Hàng này xuất khẩu là chủ yếu. Các cơ sở của người thân từ Sài Gòn gửi mẫu mã, số lượng về và chúng tôi làm theo yêu cầu. Sau đó chuyển hàng vào để họ xuất đi các nước".

Vốn có khiếu hội họa nhưng anh Hợp không chọn con đường học vấn để thành công mà sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh đi học nghề của một người quen ở Sài Gòn, sau đó tham gia nghĩa vụ quân sự.

Khi hoàn thành trách nhiệm công dân anh Hợp trở về quê hương lập nghiệp. Mặc dù mới mở xưởng nhưng đơn hàng từ các đối tác rất nhiều, vì vậy công nhân phải làm ngày, làm đêm. Sau khi trừ chi phí, anh Hợp thu lãi gần 20 triệu đồng/tháng.

“Khi thấy tôi làm ăn được cũng có nhiều anh em đến xin học nghề, nhưng do hiện tại chưa có máy móc trang thiết bị, cơ sở nhà xưởng chật hẹp nên tôi chưa dám nhận. Theo nhu cầu đơn hàng như hiện nay thì khoảng vài tháng nữa tôi sẽ mở rộng xưởng để mở rộng sản xuất, từ đó nhận thêm đơn hàng. Bên cạnh đó tôi cũng muốn tìm hiểu nhu cầu thị trường để không chỉ nhận gia công mà sẽ nhận trực tiếp các đơn hàng từ các công ty nước ngoài nhằm tăng thu nhập”, anh Hợp cho biết.

Để làm ra một bức tranh ghép gỗ mỹ thuật phải qua nhiều công đoạn: mài, cắt, gọt, tỉa, ghép, đánh bóng, phun sơn, đóng khung hoàn chỉnh. Nhưng điều quan trọng nhất là chọn màu sắc gỗ phù hợp để bức tranh có hồn, đây chính là một trong những nét độc đáo của tranh ghép gỗ mỹ thuật được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là khách nước ngoài.

Anh Nguyễn Tấn Trụ, một công nhân cho biết: "Ngày trước em làm công nhân điện ở Sài Gòn, nhưng khi anh Hợp mở xưởng thì em xin theo học. Vì vừa được làm gần gia đình lại có thu nhập cao nên em rất vui. Làm nghề này đòi hỏi mình phải có bàn tay khéo léo, tính cẩn thận, kiên nhẫn và thêm một chút năng khiếu họa. Có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm đúng ý khách hàng."

Con đường tương lai phía trước còn dài và thách thức cũng đang ở phía trước, nhưng bằng việc lựa chọn khởi nghiệp từ nghề tranh ghép gỗ, anh Nguyễn Anh Hợp đang tự khẳng định hướng đi của mình trong hành trình lập thân, lập nghiệp theo phương châm “ly nông, bất ly hương”.

Đinh Thị Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tan-dung-phe-pham-go-thu-tram-trieu-dongthang-20170322111719216.htm