Tận dụng 'thời cơ vàng' của ngành Mía đường

Ông Ðoàn Thanh Mười thử nghiệm mô hình tưới nhỏ giọt, với mục tiêu nâng năng suất mía lên 100 tấn/ha - Ảnh: NGÔ XUÂN

Sau khi Bộ Công thương áp lệnh chống bán phá giá đối với đường nhập lậu từ Thái Lan và điều tra chống trợ cấp đối với đường nhập lậu từ nước này, thị trường đường ở Việt Nam đã trở lại công bằng. Ðiều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà máy đường cũng như hàng triệu nông dân trồng mía.

Để tận dụng “thời cơ vàng” của ngành Mía đường, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng trọt, sản xuất, thu hoạch được các nhà máy đường và người trồng mía quan tâm.

BƯỚC NGOẶT MỚI

Ngày 16/6/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1578 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và áp thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan. Cụ thể, các loại đường nhập khẩu sẽ bị áp thuế chống bán phá giá với mức 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65%.Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: Ngay sau khi áp thuế chống phá giá, Bộ Công thương tiếp tục ban hành Quyết định 2171 điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar nhằm triệt để loại bỏ khả năng đường nhập lậu của Thái Lan vòng sang một nước thứ ba rồi nhập trở lại về Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc Việt Nam thực hiện thành công biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm đường mở ra bước ngoặt lớn đối với ngành Mía đường trong nước. Ðây được xem là mốc son quan trọng, tạo điều kiện cho ngành Mía đường Việt Nam nói chung và ngành Mía đường Phú Yên nói riêng cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch với các nước trong khu vực. Trong thời gian này, ngành Mía đường Việt Nam cần tận dụng thời cơ để phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho giai đoạn không còn hàng rào phòng vệ thương mại.

Ðể tận dụng “thời cơ vàng” của ngành Mía đường, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng trọt, sản xuất, thu hoạch được các nhà máy đường và người trồng mía trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Anh Khương Xuân Thắng được hỗ trợ 42 triệu đồng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để bơm tưới mía, nâng năng suất mía từ 30 tấn/ha lên gần 80 tấn/ha. Ảnh: NGÔ XUÂN

Cụ thể, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, trồng mía, làm cỏ; 70% khâu phun thuốc; đầu tư 7 máy bốc mía. Doanh nghiệp cũng thí điểm tưới mía nhỏ giọt và phun mưa tại thị trấn Hai Riêng và xã Ea Ly (huyện Sông Hinh); hỗ trợ nông dân mua sắm thiết bị bơm tưới và khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới. Còn Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam thì đầu tư hơn 18,2 tỉ đồng cho thiết bị bơm tưới và hơn 23 tỉ đồng cho máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Từ năm 2020, doanh nghiệp này khuyến khích nông dân đầu tư điện năng lượng mặt trời và hệ thống tưới nhỏ giọt, mang lại hiệu quả cao.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT MÍA

Gia đình anh Khương Xuân Thắng ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) có gần 3ha mía. Vì không có điện để vận hành hệ thống bơm tưới nên năng suất bình quân chỉ đạt 30-40 tấn/ha. “Không muốn phụ thuộc “ông trời”, nên khi Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hỗ trợ đầu tư điện năng lượng mặt trời, tôi liền lắp đặt 3kWp để bơm tưới 100% diện tích mía. Nhờ vậy, năm rồi năng suất mía tăng lên 75-80 tấn/ha; trừ hết chi phí, còn lãi hơn 100 triệu đồng. Thêm vào đó, với chính sách thưởng 50.000 đồng/tấn mía khi đầu tư điện năng lượng mặt trời, tôi gần như đủ số tiền cần hoàn lại cho nhà máy trong năm”, anh Thắng nói

Ðã đến lúc nông dân chung tay với nhà máy nâng cao năng suất, chất lượng mía, để cây mía không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu.

Ông Ðoàn Thanh Mười ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa

Trong năm qua, ông Ðoàn Thanh Mười ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cũng được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hỗ trợ 62 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên 2,5ha mía. Bước đầu, diện tích mía phát triển đều, thân mía mập chắc, năng suất dự kiến đạt 85-90 tấn/ha. Sắp tới, ông Mười khoan giếng, kéo điện lưới và điện năng lượng mặt trời, kết hợp với việc kiểm soát, điều khiển tưới nước, phân bón thông qua điện thoại thông minh; kỳ vọng nâng năng suất mía lên hơn 100 tấn/ha. Ông Mười bày tỏ: Với gần 10ha mía, gia đình tôi thu lãi từ 200-400 triệu đồng/năm. Khi đầu tư tưới nhỏ giọt, tôi kỳ vọng thu lãi không dưới 700 triệu đồng. Ðã đến lúc nông dân chung tay với nhà máy nâng cao năng suất, chất lượng mía, để cây mía không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu.

Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, năm qua, công ty đã đầu tư hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời cho 6 hộ với tổng số tiền 327,5 triệu đồng; đầu tư mô hình tưới nhỏ giọt cho 11 hộ dân với hơn 987 triệu đồng, diện tích tưới 41,32ha. Ngoài ra còn có 7 hộ tự đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 13,52ha. Qua thử nghiệm, trồng mía có tưới bằng năng lượng mặt trời cho năng suất cao hơn mía phụ thuộc nước trời gần 17,2 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 12 triệu đồng/ha. Tưới mía nhỏ giọt năng suất cao hơn tưới xả tràn 26 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 30,7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc sử dụng máy thu hoạch mía giúp người dân tiết kiệm chi phí. Với những chính sách này, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng cao năng suất mía cho nhà máy cũng như thu nhập cho người nông dân.

Ðánh giá cao những nỗ lực của các nhà máy đường và nông dân Phú Yên trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất mía, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc góp ý thêm: Ngành Mía đường Phú Yên cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp 4.0 thông qua hệ thống thông tin khí hậu chuyên ngành trên cơ sở mạng lưới quan trắc khí hậu tự động tại các vùng chuyên canh mía kết hợp hệ thống dữ liệu lớn; đưa tiến bộ của nông nghiệp số chính xác vào canh tác như ứng dụng điện thoại số nhằm cung cấp thông tin về canh tác, thu hoạch mía đến từng người dân; ứng dụng công nghệ bay không người lái kết hợp cảm biến và công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý hiệu quả cánh đồng mía…

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/270431/tan-dung--thoi-co-vang--cua-nganh-mia-duong.html