Tận dụng ưu đãi thuế quan từ FTA: Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện chỉ có khoảng 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Tàu chở container đưa hàng xuất khẩu từ TPHCM sang các nước Ảnh: CAO THĂNG

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được triển khai liên tục trong suốt hơn 2 thập kỷ, kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), là thành viên của WTO (2007) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (2015), cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết. Theo đó, hàng loạt các chương trình cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa theo cam kết đã được thực hiện. Nhưng điều đáng lo, số lượng doanh nghiệp (DN) quan tâm đến hội nhập còn quá ít, dẫn đến hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi từ hội nhập rất hạn chế.

35% lượng hàng hóa “biết” tận dụng ưu đãi

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện chỉ có khoảng 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy, hơn 60% lượng hàng hóa còn lại vẫn phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi), cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0% - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế trong FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng một trong những lý do chính khiến DN chưa tận dụng được các ưu đãi từ FTA là việc chưa hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0% - 5% mà các FTA mang lại. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt nhưng nhiều DN vẫn chưa tận dụng tốt, với những FTA mới đòi hỏi những quy định cao, chắc chắn sẽ còn khó khăn nhiều hơn.

Tại hội nghị Quy định xác định trước mã số, giá trị và xuất xứ hàng hóa (gọi tắt là Quy định xác định trước) và tình hình áp dụng tại Việt Nam, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TPHCM), cho biết hiện cả nước mới chỉ có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số HS; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Những con số này là rất thấp sau nhiều năm thực hiện, cũng như so với các nước trong khu vực. Đây là thiệt thòi rất lớn cho hoạt động thương mại của Việt Nam, bởi nếu hàng hóa được xác định trước mã số, giá trị và xuất xứ sẽ giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, làm minh bạch hóa và thống nhất các thủ tục hải quan trên toàn quốc, ngăn chặn tiêu cực trong ngành hải quan.

Sản xuất động cơ xuất khẩu sang các nước ASEAN Ảnh: CAO THĂNG

Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO, có hiệu lực từ ngày 22-2-2017, đã tạo dấu mốc quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. TFA đặt ra tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại thống nhất trong tất cả quốc gia thành viên WTO, tạo động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thủ tục hải quan giúp thông quan hàng hóa qua biên giới.

DN vẫn thờ ơ với hội nhập?

Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA với 56 quốc gia và nền kinh tế; tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán đối với 4 FTA. Theo nhận định của các chuyên gia, với việc tham gia ngày càng nhiều các FTA, Việt Nam đã trở thành một trong 3 quốc gia trong khu vực có mức độ hội nhập sâu, rộng với tốc độ rất nhanh, thể hiện rõ qua việc thực hiện mạnh mẽ các cam kết về mở cửa thị trường. Đây là điều kiện để Việt Nam phát huy các lợi thế sẵn có, nâng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới toàn diện đất nước.

Vậy thì tại sao số lượng hàng hóa được tận dụng được ưu đãi thuế từ FTA còn thấp, thậm chí nhiều DN vẫn còn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu trong hội nhập? Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các DN còn thờ ơ hoặc ngại phải làm mới, chỉ thuận theo cách làm cũ.

Để chứng minh điều này, lãnh đạo một cơ quan tại TPHCM chỉ ra rằng, cuối tháng 4-2017 vừa qua, một hội thảo lớn liên quan đến những vấn đề đặt ra trong hội nhập do một bộ chức năng tổ chức, với các báo cáo viên có uy tín, nhưng số đại biểu tham dự cũng chưa đầy 20 người, chỉ toàn là chuyên gia và đại diện các sở, ngành, tuyệt nhiên không có DN nào đến dự. “FTA dường như chỉ được quan tâm với các cơ quan nhà nước”, vị này kết luận.

Theo dõi xuyên suốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các bộ, ngành, các trung tâm và tổ chức đã làm khá tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các cam kết với mật độ dày đặc. Cùng với đó, việc thành lập các website về hội nhập đã rất phổ biến nên không khó trong quá trình tìm thông tin. Chỉ có điều, cách tuyên truyền vẫn chung chung, chưa đi vào cụ thể, chi tiết, còn các DN dường như sức ỳ vẫn quá lớn.

Để hội nhập tốt kinh tế quốc tế, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị chính sách phù hợp. Các giải pháp làm thay đổi nhận thức của DN cần được triển khai mạnh mẽ qua các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo theo từng ngành hàng, từng thị trường với các quy định cụ thể, tránh việc tuyên truyền mang tính chung chung.

“Sức nóng” từ hội nhập đang tăng lên từng ngày. Do vậy, các DN cần phải hiểu rõ các quy định trong hiệp định để vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình, tận dụng tốt nhất các lợi thế từ FTA mang lại. Nếu DN không chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng sức cạnh tranh thì hàng hóa, dịch vụ sẽ bị lùi lại. Đó là quy luật của hội nhập, mở cửa thị trường.

Theo tính toán, việc thực thi đầy đủ TFA sẽ giảm chi phí thương mại của các thành viên xuống mức bình quân 14,3%; tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu (giảm 47% so với mức trung bình hiện tại) và gần 2 ngày thời gian thông quan hàng xuất khẩu (giảm 91% so với mức trung bình hiện tại).

Cũng theo nghiên cứu của WTO, khi thực thi TFA, các nước đang phát triển sẽ tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu mới lên 20%, các nước kém phát triển sẽ tăng 36%. Tuy nhiên, nếu các DN và các bộ ngành chức năng không nắm bắt kịp thời để thực thi tốt nhất TFA, sẽ khó tạo ra sức cạnh tranh bền vững cho hàng hóa của Việt Nam.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/tan-dung-uu-dai-thue-quan-tu-fta-can-su-chu-dong-tu-doanh-nghiep-451496.html