Tan hoang thượng nguồn sông Sài Gòn

Chỉ trong 4 giờ, có gần 10 tàu khai thác cát đến đổ cát lên sà lan. Trên tàu, công nhân và máy bơm luôn hoạt động hết công suất để hút cát

Hàng chục hộ dân sống ở đầu nguồn sông Sài Gòn thuộc hai xã Đôn Thuận và Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã phải bán đất đi nơi khác sinh sống vì đoạn sông này bị một số doanh nghiệp tận thu nguồn cát gây sạt lở nghiêm trọng. Khi những núi cát khổng lồ của doanh nghiệp trồi lên cũng là lúc thượng nguồn sông Sài Gòn lở rộng ra. Tận thu Trưa 16-3, trong vai những người cần mua đất để làm trang trại dọc sông Sài Gòn, chúng tôi được người dân huyện Trảng Bàng cảnh báo: “Gần 10 km của khúc sông này đã được “bán” cho ông Tư Trọng” (tức ông Phạm Văn Trọng - đại diện DNTN Minh Hưng-PV). Để kiểm chứng, chúng tôi tiếp cận bà Th., một hộ dân còn sót lại ở đoạn sông này và có người nhà hút cát thuê cho tàu ông Tư Trọng. Bà Th. chỉ tay về phía những con tàu thấp thoáng trên dòng sông, cho biết: “Toàn bộ đều là tàu khai thác cát, có hơn 30 chiếc hoặc của ông Tư Trọng hoặc của người dân được thuê hút cát cho Tư Trọng hoạt động suốt ngày. Cả đoạn sông này không có tàu bè nào qua lại vì ổng mua hết rồi”. Tàu nhỏ đang đổ cát lên sà lan của DNTN Minh Hưng Quả thật, khi đi ghe máy dạo một vòng quanh đoạn sông này, chúng tôi chẳng hề thấy bóng dáng ghe tàu nào qua lại, hầu hết là tàu hút cát đang thả những họng bơm xuống lòng sông để hút cát. Trung bình một tàu chứa từ 10 m³ – 20 m³ cát, sau khi bơm đầy cát, tàu tập kết về sà lan nằm cách đó hơn 500 m để đổ cát lên. Ước tính khối lượng cát chứa trên sà lan lên đến hàng trăm mét khối. Theo người dân sống quanh khu vực này, những ngày cao điểm, có 3 - 4 chiếc sà lan ra vào lấy cát để vận chuyển đến bãi cát của ông Tư Trọng. Dạo tới dạo lui trên đoạn sông này từ 10 giờ đến 14 giờ ngày 16-3, chúng tôi đếm được gần 10 tàu cát đến đổ cát lên sà lan. Trên tàu, công nhân hoạt động tất bật, máy bơm luôn hoạt động hết công suất để hút cát, làm “rát” cả lòng sông Sài Gòn. Sông sạt lở, dân mất đất Chúng tôi thuê ghe máy đi một vòng quanh đoạn sông này và chứng kiến hai bên bờ sạt lở nghiêm trọng để lộ ra những mảng đất nham nhở. Anh L., người lái ghe, cho biết: “Trước đây, lòng sông này rất hẹp nhưng khi các tàu cát kéo đến thì nó càng rộng ra, chưa kể quanh khu vực cũng có gần 50 hộ dân sinh sống, do sạt lở, họ làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết, cuối cùng phải thương lượng bán đất cho ông Tư Trọng với giá 6 triệu đồng/m2 ngang, dài bao nhiêu cũng được hoặc bồi thường 50 triệu đồng rồi đi nơi khác ở (!?). Chỉ tay về một mố đất bị toạc ra, anh L. nói: “Ở đây, trước kia là bụi tre to tướng, nay bị sông nuốt mất rồi!”. Trên các chiếc tàu đang miệt mài thả vòi xuống lòng sông để hút cát, chúng tôi ghi nhận bên hông tàu đều có ghi tên “Doanh nghiệp tư nhân khai thác cát đá sỏi Minh Hưng”. Người dân sống ven sông cho biết đó là ký hiệu để khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra biết đây là “phe nhà”, không xử phạt. Dọc bờ thượng nguồn sông Sài Gòn, tình hình sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Ảnh: S.H Lân la đến một tàu đang khai thác để tìm hiểu, chúng tôi được biết đoàn tàu này thuộc quyền sở hữu của người dân. Tuy nhiên, ai muốn vào khai thác gia công cho doanh nghiệp Minh Hưng thì phải gắn “ám hiệu” này vào để khỏi bị cơ quan chức năng làm khó dễ. Một người đang khai thác cát gia công cho doanh nghiệp Minh Hưng tiết lộ: “Trung bình mỗi ngày có từ 30-40 chiếc tàu khai thác. Mỗi tàu, hằng ngày khai thác được 50 m3. Lượng cát mà họ khai thác được, doanh nghiệp Minh Hưng mua lại chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/m3, trong khi giá cát xây dựng bán ra thị trường gần 100.000 đồng/m3”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên đoạn sông này còn có nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng sử dụng ghe bơm, máy hút, ngày đêm lén lút khai thác cát gây sạt lở, ô nhiễm môi trường. Núi cát chình ình ở ngã ba sông Theo tìm hiểu của chúng tôi, DNTN Minh Hưng hiện sở hữu từ 5 đến 6 bãi cát, đá to tướng nằm rải rác ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM. Tại bãi cát, đá ngay ngã ba sông Rạch Tra - cầu Bà Mễn thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (do con ông Tư Trọng đứng tên trên giấy phép - PV), ngày nào cũng có sà lan đưa cát về tập kết. Đứng từ phía cầu Bà Mễn đã thấy đống cát như một quả núi, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải ra vào lấy cát nhưng chẳng vơi bao nhiêu. Bãi cát to tướng này nằm ngay ngã ba sông Rạch Tra- cầu Bà Mễn nhưng không hiểu vì sao vẫn được cơ quan chức năng cấp phép? Kỳ tới: Cấp phép rồi... thả nổi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010032612211320p0c1077/tan-hoang-thuong-nguon-song-sai-gon.htm