Tân Lập khai thác lợi thế sản xuất nông nghiệp bền vững

Xã Tân Lập, huyện Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên hơn 9.837 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 4.108 ha. Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, giúp các hộ nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Người dân bản Hoa, xã Tân Lập thu hái chè.

Người dân bản Hoa, xã Tân Lập thu hái chè.

Địa hình của xã có độ cao trung bình từ 800-900m so với mặt nước biển, chia thành hai dạng địa hình chính, gồm: Vùng trung tâm xã với cao nguyên tương đối bằng phẳng, là nơi định cư của các bản Tà Phình, bản Hoa, bản Dọi, Phiêng Đón, Phiêng Càn; các tiểu khu 9, 12, 32, 34 của nông trường Cờ Đỏ và vùng núi cao xen kẽ các thung lũng. Khí hậu của xã mang đặc trưng khí hậu á nhiệt đới của cao nguyên Mộc Châu, thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với các loại cây trồng đặc sản, như: Chè, cây ăn quả chất lượng cao; chăn nuôi bò sữa, bò thịt...

Nhằm phát triển những mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp để tổ chức thực hiện. Hiện các hộ dân trong xã đang chăm sóc 406 ha lúa, sản lượng hơn 2.096 tấn; 1.780 ha ngô, sản lượng 8.015 tấn; 145 ha dong riềng, sản lượng 2.523 tấn; 18 ha sắn, sản lượng 265 tấn; 507 ha rau, sản lượng 8.059 tấn. Với lợi thế 93 ha đồng cỏ, sản lượng 3.531 tấn và 288 ha ngô ủ ướp, sản lượng 10.946 tấn đang thúc đẩy chăn nuôi của xã phát triển ổn định với tổng đàn trâu, bò, dê đạt gần 2.800 con.

Bên cạnh đó, xã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để phát triển kinh tế. Thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất. Đồng hành với đó là các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như: HTX Cao Sơn Mộc Châu, HTX nông nghiệp Hoàng Hải Tân Lập, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, Công ty TNHH Chè Mộc Sương, Công ty TNHH chế biến chè Tân Lập... tích cực hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, bảo đảm sản xuất an toàn. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt 1.011 ha; diện tích chè đạt 283 ha, trong đó chè cho sản phẩm 273,5 ha, sản lượng chè búp tươi 3.555,5 tấn.

Đến Công ty TNHH chè Tân Lập, hiện Công ty đang liên kết với 500 hộ trồng chè Kim tuyên, diện tích thu mua trên 80 ha, với quy trình sản xuất nghiêm ngặt của Đài Loan. Chị Hà Thị Dinh, bản Hoa, xã Tân Lập, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha chè Kim tuyên và chè Shan. Riêng chè Kim tuyên, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất của Đài Loan, như hái chè bằng tay, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu do Công ty cung cấp. Chè Shan bán cho HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập được gia đình thực hiện theo quy trình VietGAP, như trồng và chăm sóc chè không sử dụng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, xử lý đất bằng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, sản lượng chè... Hiện, doanh thu trung bình từ 120-150 triệu đồng/ha chè.

Chỉ riêng về sản phẩm chè, trên địa bàn xã Tân Lập hiện có 6 sản phẩm đạt OCOP, gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao của Công ty TNHH chè Mộc Sương và HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, gồm: Trà Olong xanh Thúy Ngọc, Trà Olong xanh Thanh Tâm, Trà Olong Thúy Ngọc duỗi đỏ, Trà Olong Thanh Tâm GABA, chè Shan đặc biệt, chè Bát tiên đặc biệt.

Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ. Tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì diện tích chè và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, từ đó hình thành vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu đưa những cây con giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực vào sản xuất để giúp người dân nâng cao thu nhập, đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tan-lap-khai-thac-loi-the-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung-49089