Tận thấy nghi lễ đám cưới của người Dao đỏ ở Yên Bái

Đám cưới là một trong những nghi lễ truyền thống và là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống của đồng bào Dao.

Nghi lễ cưới của người Dao đỏ chứa đựng các giá trị về mặt văn hóa, cũng như tinh thần, lịch sử. Đám cưới người Dao đỏ chỉ diễn ra chủ yếu ở bên phía nhà trai, còn bên nhà gái sẽ chỉ tổ chức một bữa ăn đơn giản để đưa cô gái về nhà chồng.

Trước khi lễ cưới diễn ra, thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ báo cáo lên tổ tiên. Sau đó con cháu cùng dâng lên những người đã khuất các lễ vật như cơm, rượu, thịt...

Trong đám cưới người Dao đỏ, nhà gái sẽ tự đưa dâu về bên nhà trai. Khi đoàn nhà gái cách nhà trai khoảng 100m thì sẽ dừng để chỉnh trang lại trang phục truyền thống.

Sau khi công việc chỉnh lại trang phục của phái đoàn nhà gái hoàn tất, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng và chũm chọe ra đón đoàn gái.

Sau khi hai họ gặp nhau, đội kèn trống sẽ dẫn đoàn về một điểm đất trống để làm các thủ tục gắn kết tình duyên. Thông thường điểm dừng chân này của nhà gái cách nhà trai khoảng 30 đến 40 mét.

Đoàn nhà gái sẽ quàng khăn đỏ và cắm hoa bạc lên mũ cô dâu.

Tiếp theo, người thổi kèn sẽ dẫn đầu đội kèn trống đi vòng tròn, rồi đi hình số 8 quanh phái đoàn nhà gái với ý nghĩa cho đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc; nghĩa tình thông gia, họ hàng thêm bền chặt.

Theo truyền thống của người Dao đỏ, trong lúc đại diện hai bên làm các thủ tục thì bên nhà trai phải mời nước chè, thuốc, rượu bên nhà gái để thể hiện lòng thành kính.

Cô dâu đi về nhà chồng luôn được sự che trở của nhiều lớp chị em phụ nữ. Chỉ có những người đàn ông có nhiệm vụ mới được phép đến gần cô dâu.

Trước khi vào nhà làm dâu, cô dâu phải ngồi trước cửa ngôi nhà truyền thống khoảng 10 đến 15 phút để làm lễ. Ngôi nhà truyền thống người Dao thường có 3 hoặc 5 gian, cô dâu sẽ ngồi ở gian giữa, lưng hướng vào trong nhà.

Trong lúc đợi cô dâu làm lễ vào nhà trai, phái đoàn nhà gái được được nhà trai chuẩn bị khoảng trên dưới 10 chậu nước ấm và khăn mặt bê đến tận chỗ ngồi mời nhà gái lau mặt, rửa chân tay.

Sau khi cô dâu vào nhà bái đường là phần quan trọng nhất trong ngày cưới. Theo truyền thống trai phải đứng bên trái, gái đứng bên phải mặt hướng lên bàn thờ để làm lễ bái đường.

Chú rể cầm rượu, khăn, nước... rồi tiền bạc quỳ xuống bái. Ngồi bên trên (cạnh bàn thờ) là các cụ ông, bà và bề trên nội tộc của cô dâu, chú rể chứng kiến.

Nghi lễ này với ý nghĩa là cảm ơn ông bà, cha mẹ đã nôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã trở che cho con cháu đã lớn thành người, kết thành phu thê.

Sau lễ bái đường, cô dâu, chú rể mới chính thức được lộ mặt trước họ hàng hai bên và khách mời.

Trong đám cưới truyền thống người Dao đỏ, không thể thiếu các câu đối chúc phúc. Những câu đối này được các gia đình họ hàng của chú rể tặng, với nhiều nội dung và ý nghĩa sâu xa.

Nguồn VOV: http://vov.vn/di-san/tan-thay-nghi-le-dam-cuoi-cua-nguoi-dao-do-o-yen-bai-595953.vov