Tân Tổng thống Emmanuel Macron và sự kỳ vọng của cử tri Pháp

Tuy không có cơn địa chấn “Brexit” thứ hai xảy ra nhưng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 rất có thể là khởi đầu cho những thay đổi lớn tại Pháp và châu Âu.

Quyết định của 20,7 triệu cử tri Pháp (tương đương 66%) đã ngăn chặn được tư tưởng “Frexit” của ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen, đồng thời đưa ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ V.

Trong hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống, cương lĩnh và cách giải thích nó cho cử tri mang tính quyết định thành bại của bất cứ ứng cử viên nào. Thất bại của hai chính đảng Xã hội cánh tả và Cộng hòa cánh hữu lâu nay vẫn thay phiên nắm quyền tại Pháp ở vòng 1 và của bà Marine Le Pen ở vòng 2 cũng chính vì nguyên nhân này. Tuy giành chiến thắng nhờ khẩu hiệu “ưu tiên cho tăng trưởng” trong cuộc bầu cử năm 2012 nhưng trong suốt nhiệm kỳ 2012-2017, Tổng thống Francois Hollande đã không có một giải pháp hiệu quả nào để có thể làm thay đổi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Pháp (chưa năm nào vượt ngưỡng 0,6%). Thêm nữa, những bê bối tiền bạc của ứng viên đảng Cộng hòa cánh hữu Francois Fillon càng khiến cử tri Pháp mất hết niềm tin vào những ứng viên truyền thống. Thất bại của ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen cũng đã được báo trước bởi phần đông cử tri Pháp thực sự lo lắng trước cương lĩnh mang nặng tính cực đoan của bà. Người dân Pháp đã quá quen với chính sách nhập cư mở từ thời Tổng thống F. Mitterrand cũng như sự gắn bó lâu đời của nước Pháp với châu Âu (Pháp và Đức là hai nước đặt nền móng và có vai trò quan trọng nhất đối với tiến trình liên kết châu Âu từ Cộng đồng than – thép tới Liên hiệp châu Âu).

Tuy nhiên, chiến thắng áp đảo của ứng cử viên độc lập E. Macron cũng không phải hoàn toàn do chương trình tranh cử của ông đáp ứng được những nguyện vọng của cử tri.

Tuy có nhiều điểm tích cực hơn các đối thủ nhưng trước những vấn đề nan giải mà nước Pháp đang phải đối mặt như kinh tế trì trệ, khủng bố, nhập cư và đặc biệt là tiến trình Brexit bắt đầu khởi động, E. Macron chưa đưa ra một giải pháp cụ thể nào rõ rệt, phần lớn mới chỉ là ý tưởng.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Macron cho rằng, nền kinh tế Pháp chỉ có thể trở nên mạnh mẽ và có tính cạnh tranh hơn nếu đi theo hướng toàn cầu hóa và thương mại tự do. Nhưng trên thực tế, nước Pháp của Tổng thống tiền nhiệm F. Hollande cũng đã và đang đi trên con đường như vậy. Là người kiên quyết chống Frexit, ông Macron cam kết cùng với Đức thúc đẩy tiến trình xây dựng lại EU nhưng lại chưa đưa ra một đường hướng cụ thể nào nhằm tái cấu trúc EU. Ứng cử viên Macron khẳng định sẽ miễn tất cả các loại thuế cho những người có mức lương tối thiểu nhưng lại không nêu rõ sẽ bù đắp ngân sách bằng những nguồn lực nào. Để đối phó với vấn nạn khủng bố, ông Macron mới chỉ đưa ra giải pháp sẽ tăng quân số lực lượng an ninh nhưng những vụ khủng bố vừa qua cho thấy điều này rõ ràng là chưa đủ.

Một hạn chế nữa của ứng viên Macron khiến ngay cả những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ cũng e ngại chính là uy tín và kinh nghiệm chính trường của ông Macron còn quá ít. Với số vốn ít ỏi của một Bộ trưởng Kinh tế, chắc chắn ông Macron sẽ rất khó khăn trong việc khắc phục một xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc cũng như có được sự ủng hộ của các nhà lập pháp. Điều lo ngại này sẽ mau chóng trở thành hiện thực, nếu đảng “En Marche” (nay đổi thành “La Respublique En Marche) của tân Tổng thống E. Macron không giành được đa số phiếu trong tổng số 577 ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào ngày 11 và 18-6 tới.

Như vậy, chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ vượt quá mong đợi của tân Tổng thống E. Macron phản ánh sự kỳ vọng của cử tri Pháp hơn là những nội dung trong cương lĩnh tranh cử của ông. Người dân Pháp hy vọng, với quan điểm cải cách ôn hòa của ứng cử viên trẻ trung sẽ đưa nước Pháp trở lại quỹ đạo phát triển mà không phải chịu cảnh phức tạp như ở Anh sau quyết định Brexit hay ở Mỹ thời hậu bầu cử tổng thống.

Trên thực tế, những việc làm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức cho thấy Tổng thống đắc cử E. Macron hiểu sự kỳ vọng này, đồng thời ông cũng muốn khẳng định rằng, sự kỳ vọng của những cử tri ủng hộ ông là hoàn toàn có cơ sở chứ không chỉ đơn thuần vì nhằm “loại bỏ cực hữu”.

Ngay trong bài diễn văn nhậm chức ngày 14-5-2017, Tổng thống E. Macron đã đề cập tới những “tử huyệt” cần khắc phục đầu tiên trên con đường phục hưng nước Pháp. Trước hết, đó là vấn đề tái xây dựng và khôi phục lòng tự tin ở một nước Pháp đang có xu hướng lún sâu vào tâm lý hoài nghi và sợ hãi. “Nhiệm vụ của tôi sẽ cho người Pháp trở lại sự tự tin để tin vào chính mình... Cả thế giới sẽ chú ý đến những gì Pháp nói, bởi vì chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Thế giới và châu Âu cần Pháp nhiều hơn bao giờ hết”.

Tiếp theo, đó là vấn đề cải tổ EU sau những biến cố bi đát từ cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp (năm 2009) đến sự kiện Brexit (năm 2016). Tổng thống Macron cam kết sẽ “bảo vệ nước Pháp” nhưng không phải theo kiểu “nước Pháp trước tiên” mà bằng con đường gắn kết nước Pháp với thế giới. Lịch sử của nước Pháp đã chứng minh, an ninh và thịnh vượng của Pháp khó có thể tách rời khỏi EU. Chỉ sau lễ nhậm chức đúng một ngày, Tổng thống Macron đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Đức với mục tiêu làm mới EU. Đúng với phong cách ôn hòa của mình, trong buổi hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống E. Macron nêu rõ quan điểm: “Nước Pháp cần một EU bớt quan liêu và có khả năng tự bảo vệ tốt hơn. Cải tổ EU là cần thiết nhưng phải theo một lộ trình phù hợp với lợi ích của tất cả thành viên”.

Việc bổ nhiệm nghị sĩ đảng Cộng hòa Edouard Philippe vào cương vị Thủ tướng cho thấy Tổng thống Macron đang hướng tới mục tiêu “làm mới đất nước” bằng cách hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội Pháp. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi đảng La Respublique En Marche công bố danh sách 428 ứng cử viên của đảng này tham gia cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Trong danh sách có sự cân bằng về giới tính, đa dạng về tuổi tác và ngành nghề.

Có lẽ cũng cần phải nhắc tới một sự kỳ vọng nữa của ít nhất 66% người dân 26 nước thành viên EU, những người cũng có mong muốn thấy một EU gắn kết và vững mạnh đối với tân Tổng thống E. Macron. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp còn được ví như một cuộc trưng cầu ý dân về EU, vì thế những người ủng hộ sự tồn tại của khối rất hy vọng chiến thắng và những hành động tiếp theo của Tổng thống Macron sẽ giúp chặn đứng tư tưởng Brexit (ít nhất là trong 5 năm) trong cuộc bầu cử tại Đức vào tháng 9 tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/goc-nhin-thu-hai/item/32978202-tan-tong-thong-emmanuel-macron-va-su-ky-vong-cua-cu-tri-phap.html