'Tảng băng chìm' không gian phố đi bộ

SKĐS - Nhằm tạo ra không gian vui chơi giải trí lành mạnh và giúp du khách có những trải nghiệm văn hóa thú vị, nhiều địa phương ở nước ta như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai...

đã mở ra các tuyến phố đi bộ. Thực tế, nhiều phố đi bộ đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, nhưng trong quá trình hoạt động các tuyến phố này cũng chứa đựng nhiều “tảng băng chìm”.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ở nước ta cho xây dựng tuyến phố đi bộ để phục người dân và du khách. Theo đó, từ tháng 5/2015, phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP. Hồ Chí Minh đã được đưa vào hoạt động và đến nay đã trở nên gần gũi, thân quen với người dân lẫn du khách. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có nhiều chương trình vui chơi giải trí, nghệ thuật... được mở ra để thu hút người dân. Bên cạnh đó, những công trình như đài phun nước nghệ thuật trở thành điểm nhấn cho không gian văn hóa này. Những ngày cuối tuần và đặc biệt buổi tối, phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn đông đúc và có nhiều thời điểm rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu ứng tích cực mà phố đi bộ Nguyễn Huệ đã tạo ra thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng phố đi bộ này còn một số hạn chế. Nổi bật là tình trạng người bán hàng rong trái quy định luôn đeo bám du khách, tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị và khiến nhiều du khách cảm thấy bị quấy nhiễu.

Đông đảo người dân chăm chú xem một nhóm nhạc trẻ không chuyên biểu diễn ở tuyến phố đi bộ tại Hà Nội.

Ngoài ra, dù phố đi bộ Nguyễn Huệ rất khang trang nhưng không ít du khách cho biết tại đây đang thiếu hệ thống cây xanh. Chính vì điều này, những lúc nắng nóng, phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng người vì không ai dám tản bộ, dạo chơi tại không gian mà nhiệt độ nóng hơn lò thiêu; và đồng thời du khách không có bóng mát để tránh nắng. Do thiếu ghế ngồi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ nên có thời điểm du khách ngồi ở bồn hoa, barie, ngồi bệt dưới đất... tạo ra hình ảnh khá nhếch nhác.

Ra đời muộn hơn so với phố đi bộ Nguyễn Huệ, tại Hà Nội, cách đây đúng một năm, các tuyến đường quanh Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ đầu tiên của Thủ đô. Phố đi bộ của Hà Nội diễn ra vào 3 ngày cuối tuần, có nhiều chương trình ca múa nhạc hiện đại, truyền thống do các nghệ sĩ và cả những người có tài năng về âm nhạc, nhảy múa...biểu diễn. Hình thức này giúp mọi người được tương tác, gần gũi với nhau hơn. Đặc biệt, không ít du khách quốc tế cho biết, đến với phố đi bộ Hà Nội đã cảm nhận được nét văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn vật, sự náo nhiệt và sôi động của Thủ đô nước Việt. Sau một năm đưa vào hoạt động, hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đã đến với phố đi bộ Hồ Gươm, qua đó giúp du lịch Hà Nội phát triển và tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, phố đi bộ ở Hà Nội vẫn còn những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, các vấn đề và hạn chế tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm còn diễn ra như vệ sinh môi trường, người dân dắt thả chó, bán hàng rong, kinh doanh ôtô đồ chơi, tổ chức văn hóa phi vật thể còn sơ sài... Những hạn chế này đã được UBND TP. Hà Nội đánh giá và giao cho UBND quận Hoàn Kiếm khắc phục sớm nhất.

Gần đây, theo các hộ dân tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), tuyến phố này đã đi vào hoạt động 2 tháng nay nhưng không thu hút khách tham quan, kể cả trong dịp cuối tuần. Phố đi bộ Nguyễn Văn Trị có chiều dài khoảng 600m, chạy dọc theo bờ kè sông Đồng Nai. Từ 18 - 22 giờ ngày thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần, phố đi bộ Nguyễn Văn Trị cấm các loại xe lưu thông để người dân đi bộ, dạo chơi trong khuôn viên phố đi bộ.

Theo dự kiến, phố đi bộ Nguyễn Văn Trị sẽ có các khu: tặng chữ thư pháp, trò chơi dân gian, không gian đọc sách, bán quà lưu niệm và một số tiểu cảnh trang trí. Ngoài ra còn có các chương trình văn nghệ miễn phí cuối tuần. Tuy nhiên, người dân khu vực phố đi bộ cho biết đến nay những điểm “dự kiến” kể trên vẫn chưa xây dựng khiến cho người dân không còn hào hứng đến phố đi bộ vào dịp cuối tuần, hàng quán vắng khách, biến khu phố vốn sầm uất vào dịp cuối tuần thời gian trước đây nay trở nên đìu hiu, vắng vẻ.

Rõ ràng, dù đã tạo ra một không gian văn hóa giải trí lành mạnh, có tính kết nối, đa dạng sắc màu, thúc đẩy ngành du lịch phát triển... song tại các tuyến phố đi bộ ở nước ta vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, tại một cuộc hội thảo nhằm tìm ra giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ, TS. Nguyễn Quang - Giám đốc chương trình “Định cư con người” (Liên hợp quốc) cho biết: “Ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường cho thành phố. Và để không gian đi bộ có tác động tích cực đến phát triển thành phố như vậy, người dân cần được tham gia đầy đủ vào quá trình thực hiện để đảm bảo tính bền vững cũng như công bằng trong việc tiếp nhận các cơ hội”. TS. Nguyễn Quang cũng cho rằng, chính quyền cần có vai trò chủ động, tạo điều kiện để các bên liên quan như các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thanh niên và cộng đồng sáng tạo, được tham gia vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian đi bộ!

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tang-bang-chim-khong-gian-pho-di-bo-n135498.html