Bàn giải pháp về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Ðảng

Chiều 3-8, tại tỉnh Đác Lắc, Ban Dân vận T.Ư tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

NDĐT - Chiều 3-8, tại tỉnh Đác Lắc, Ban Dân vận T.Ư tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc Y Phu Êban đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 10 chương trình giám sát; các tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức 784 cuộc phản biện xã hội, hơn 90 nghìn cuộc đối thoại, các cuộc đối thoại đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình trực tiếp… góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò, vị trí và nâng cao trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, qua đó tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tại hội nghị, các tham luận đại diện cho Ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Quyết định 217, 218 ở các địa phương. Đó là: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở chưa thật sự sâu sắc; lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội còn lúng túng; kiểm tra giám sát chủ yếu là theo chương trình, kế hoạch, chưa có giám sát đột xuất, chưa phát huy được các hoạt động phản biện xã hội; đặc biệt là chưa giám sát được người đứng đầu, cán bộ chủ chốt…

Các đại biểu đề xuất, để công tác giám sát, phản biện đạt hiệu quả trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền rộng rãi nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh thực hiện đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đồng thời tăng cường công tác hậu giám sát của các cấp chính quyền,…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những ý kiến tham luận và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị. Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, nếu các địa phương thực hiện tốt, đầy đủ nội dung hai quyết định trên thì sẽ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống của nhân dân, trong đó việc giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chú ý lựa chọn vấn đề cũng như cách thức giám sát sao cho đạt hiệu quả. Có những vấn đề phải làm từ Trung ương tới địa phương thì mới thành công như việc giám sát an toàn thực phẩm... Các địa phương phải cân nhắc việc đưa ra kiến nghị, phải chọn lọc kiến nghị và có hình thức giám sát cụ thể để đạt hiệu quả. MTTQ các cấp cần chủ động phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị. Tăng cường thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm bắt và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân.

Trước đó, sáng 3-8, đồng chí Trương Thị Mai và Đoàn công tác của Ban Dân vận T.Ư đã đến thăm, trao tặng 200 suất quà, mỗi suất quà trị giá một triệu đồng cho trẻ em nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn huyện Buôn Đôn; đến thăm, làm việc với cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Yóc Đôn, huyện Buôn Đôn về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại vườn quốc gia này.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33671802-tang-cuong-cong-tac-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-ban-dan-van-uy-ban-mttq-va-cac-doan-the-chinh-tri-xa-hoi.html