Tăng cường kết nối doanh nghiệp nội - ngoại

Làm thế nào để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước là nội dung chính của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 16-6.

Việc tìm hướng khắc phục những hạn chế để đưa mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp nội - ngoại đi vào thực chất, trở thành đối tác được nhiều chủ thể quan tâm. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn.

Lao động doanh nghiệp trong nước cần được đào tạo nắm bắt công nghệ mới. Ảnh: Bá Hoạt

Sức lan tỏa chưa cao

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đến nay Việt Nam đã thu hút khoảng 23.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Các doanh nghiệp này có thế mạnh, tiềm lực về công nghệ, kỹ năng quản trị, kinh nghiệm trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, khu vực này thường xuyên đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần lành mạnh hóa cán cân thương mại, thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng hiện đại và tăng tốc hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự liên kết của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa chưa chặt chẽ, với thế mạnh luôn thuộc về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp nội ở vị thế thấp hơn. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa thể hiện rõ sức lan tỏa, vai trò cung cấp và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến cho doanh nghiệp trong nước. Do quan hệ lỏng lẻo nên chỉ khoảng 14% doanh nghiệp nội có khách hàng là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đồng thời doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng ít khi mua, sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào do doanh nghiệp nội cung cấp. Đây là sự lãng phí nguồn lực sẵn có, làm mất cơ hội vươn lên trở thành nhà cung ứng cho các chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn thế, điều này trái ngược với định hướng, mục tiêu khi Việt Nam cấp phép cho dự án đầu tư nước ngoài; càng không đạt kỳ vọng chung của xã hội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét, đến nay Việt Nam chưa tận dụng được hết cơ hội, lợi thế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang đối diện khó khăn, đồng thời có diễn biến, thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi sự thích ứng và đối phó một cách hiệu quả, kịp thời của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần thắt chặt, tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội, theo hướng thực chất, thực sự là đối tác, bổ sung cho nhau trong hoạt động kinh doanh.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, động lực cho tăng trưởng đang thu hẹp, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng không còn phù hợp nên việc quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy hiệu quả, công nghệ và năng suất làm đòn bẩy. Mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng của doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.

Để hai bên xích lại gần nhau

Theo ông Vũ Tiến Lộc, để tăng cường kết nối giữa hai loại hình doanh nghiệp này thì trước hết phải cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Lực lượng lao động của doanh nghiệp trong nước cần được đào tạo nắm bắt công nghệ và quy trình quản trị mới. Muốn vậy, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt vấn đề như: Dành nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích xã hội hóa, hút vốn tư nhân vào hoạt động đào tạo nghề… "Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá và mang tính thực tiễn hơn để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao. Làm như vậy, sẽ tránh được tình trạng một nền kinh tế có hai tốc độ" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính quốc tế tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh thân thiện với các doanh nghiệp tại mọi cấp độ của cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả ngay sau khi Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam nên cải thiện môi trường kinh doanh, liên kết giảm chi phí đầu tư, kinh doanh để tăng trưởng bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp nội sẽ phát triển theo hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là thành phần hữu cơ của nền kinh tế và Chính phủ coi thành công, đóng góp của doanh nghiệp khu vực này là thành công chung của nền kinh tế.

Về sự “lệch pha” giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, Chính phủ khẳng định quan điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngoại kết nối với doanh nghiệp trong nước, với quyết tâm hỗ trợ, tạo cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Cùng với đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm những tiêu chí quan trọng, như: Công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường. Đó là sự hỗ trợ nhau để doanh nghiệp hai khu vực cùng mạnh lên...

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thuong-hieu-DN/871425/tang-cuong-ket-noi-doanh-nghiep-noi---ngoai