Tăng cường kiểm soát nhằm ngăn ngừa bệnh than xâm nhập qua biên giới

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay tình hình dịch bệnh than tại Lào có chiều hướng ngày càng phức tạp. Tại các tỉnh Chămpasak, Salavan, Bô Ly Khăm Xay và thủ đô Viêng Chăn đã xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới. Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị (CDC) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa bệnh than xâm nhập qua biên giới.

Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với tất cả hành khách nhập cảnh để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời -Ảnh: T.H

Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với tất cả hành khách nhập cảnh để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời -Ảnh: T.H

Bệnh than (Anthrax) ở người là bệnh lây truyền từ động vật do trực khuẩn than Bacillus anthrasis (B. anthrasis) gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người, có thể thành dịch với tỉ lệ tử vong cao.

Nhằm chủ động các biện pháp phòng chống, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh than, khoanh vùng, xử lý kịp thời để khống chế sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tử vong do bệnh than, CDC Quảng Trị đã tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng chống bệnh than.

Đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị tham mưu Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh than. Duy trì hoạt động của ban chỉ đạo và 3 đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng...

Mục tiêu đặt ra là 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh than được tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh. 100% các ổ dịch than mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn kịp thời được khoanh vùng, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài. 100% trường hợp có tiền sử tiếp xúc với nguồn truyền nhiễm bệnh than trong vòng 30 ngày được lập danh sách, theo dõi sức khỏe hằng ngày.

Để phòng chống bệnh than, nhiều giải pháp đã và đang được đơn vị triển khai, trong đó chú trọng công tác giám sát, xử lý ổ dịch như giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phối hợp tìm kiếm tích cực tại các cơ sở điều trị nhằm phát hiện sớm ca bệnh.

Triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm tra và duy trì hoạt động phòng chống bệnh than lây truyền qua biên giới tại các cửa khẩu đường bộ và cảng biển.

Lập danh sách, theo dõi sức khỏe hằng ngày các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với nguồn truyền nhiễm trong vòng 30 ngày và có thể dài hơn đối với người tiếp xúc bệnh than thể phổi (43 ngày), khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tại ổ dịch, lực lượng chức năng sẽ phun dung dịch khử trùng có chứa clo nồng độ 0,5% clo hoạt tính tại các địa điểm liên quan đến dịch tễ càng sớm càng tốt (2-3 lần cách nhau 2-3 ngày). Cùng với đó, công tác phân tích, nhận định tình hình dịch để đưa ra những giải pháp phù hợp và công tác truyền thông được chú trọng.

Theo đó, CDC sẽ chủ động cung cấp thông tin về tình hình bệnh than và các khuyến cáo phòng chống căn bệnh này; tuyên truyền người dân nói không với việc giết mổ, sử dụng, buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và các kênh truyền thông phù hợp như thông điệp, infographic, video, audio trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet...

Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ trang thiết bị, bình phun thuốc, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch. Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và gửi mẫu bệnh phẩm. Phối hợp với cơ quan thú y cùng cấp trong giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, truyền thông phòng chống bệnh than...

“Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, những ngày qua, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế đã chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Đồng thời thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch và thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Tổ chức, thực hiện giám sát chặt chẽ đối với tất cả hành khách nhập cảnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời.

Song song với đó, chúng tôi cũng đã bố trí lịch làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các kiểm dịch viên tại cửa khẩu, sẵn sàng đáp ứng (khám sàng lọc, tư vấn, phân luồng, cách ly tạm thời, xử lý môi trường ...) khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Tăng cường phối hợp liên ngành tại các cửa khẩu, bố trí sẵn sàng khu vực cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xử lý y tế và tư vấn cho các hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh và các hành khách đi cùng, tiếp xúc gần với người nghi ngờ đến cơ sở y tế tại địa phương để được tiếp tục theo dõi, cách ly và điều trị”, Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế Lê Công Chuyên cho biết.

Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương ở các nước nông nghiệp thuộc Nam và Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, châu Á, châu Phi do dịch bệnh than trên động vật thường xuyên xảy ra. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và rải rác tại một số tỉnh miền Trung.

Bệnh xuất hiện tán phát hoặc thành những vụ dịch nhỏ. Nguồn lây bệnh chủ yếu từ trâu, bò, ngựa bị mắc bệnh rồi lây sang người qua việc giết mổ và ăn thịt gia súc bị mắc bệnh hoặc vi khuẩn than từ động vật mắc bệnh gây ô nhiễm đất, nước từ đó lây sang người tiếp xúc.

Thông thường các vụ dịch than ở người được ghi nhận, báo cáo sau các vụ dịch xảy ra trên gia súc. Tại Quảng Trị, trong nhiều năm qua, công tác giám sát bệnh truyền nhiễm không ghi nhận bệnh than trên người.

Tin tưởng rằng, với nhiều giải pháp ngành y tế đã và đang triển khai, công tác phòng chống bệnh than sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phan Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-cuong-kiem-soat-nham-ngan-ngua-benh-than-xam-nhap-qua-bien-gioi-185467.htm