Tăng cường phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán

Chiều 20-9, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 14, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Về dự án luật quan trọng này, nhiều ý kiến của đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến bổ sung các lĩnh vực trọng tâm: về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật; về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (Điều 74 của dự thảo luật); về việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan của Đảng trong luật; về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập (Chương III); về kiểm soát xung đột lợi ích (Mục 4 Chương II); về báo cáo về tình hình tham nhũng và công tác PCTN (Điều 19 và Điều 20 của dự thảo luật)... Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với nội dung thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng dự án Luật PCTN (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, được nhân dân, báo chí, nhà đầu tư và quốc tế quan tâm; các quy định của luật này sẽ tác động trực tiếp đến nhiều quyền cơ bản của công dân như quyền về tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền bí mật đời tư... được quy định tại nhiều luật (như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại...).

Phát biểu ý kiến kết luận nội dung thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng cần xem xét tính khả thi và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay; cụ thể như các quy định các hành vi tham nhũng với các tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự vừa được QH thông qua. Tinh thần là phải bảo đảm nguyên tắc, những quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp với yêu cầu đấu tranh PCTN, với các điều ước quốc tế, thì cần kiến nghị sửa đổi để bảo đảm tính hợp lý.

Chung quanh vấn đề xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (Điều 74 của dự thảo luật), vừa qua nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiến hành nhiều hoạt động, phát hiện nhiều sai phạm, nhưng ít vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra trong khi tình hình tham nhũng được đánh giá là “vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành”, dẫn đến khả năng “hành chính hóa” các quan hệ hình sự. Các đại biểu đề nghị cần xác định trong dự thảo luật trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này khi tiến hành thanh tra, kiểm toán không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng. Từ đó tăng cường tính chủ động và hướng tới việc kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền khi cùng xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...

Nhiều ý kiến đại biểu nêu, dự án luật được Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung toàn diện trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp; một số vấn đề còn chưa được quy định cụ thể hoặc một số vấn đề mới cần đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động hoặc cần được tiếp tục xem xét, cân nhắc về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật PCTN có phạm vi điều chỉnh về công tác PCTN trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, do đó có mối quan hệ mật thiết với nhiều đạo luật khác. Đề nghị cơ quan trình dự án luật cần tiếp tục rà soát các nội dung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Nhiều ý kiến đồng tình để dự án luật trình ra QH xem xét, thông qua tại ba kỳ họp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp.

Trước đó, buổi sáng, Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến về Hiệp định khung giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác trong sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Qua thảo luận, Ủy ban TVQH thống nhất giao Chính phủ ký kết Hiệp định khung theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, đồng thời đề nghị Chính phủ chủ động nghiên cứu đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, tương thích với quy định của Hiệp định, bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam, đặc biệt kể cả quyền về tài sản, tính mạng, sức khỏe trong quá trình hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia.

Ủy ban TVQH cũng đã cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa; đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng và cho ý kiến về đề xuất này.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34151202-tang-cuong-phat-hien-tham-nhung-qua-kiem-tra-thanh-tra-kiem-toan.html