Tăng cường sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước

Dự án 'Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước' được triển khai tại 10 xã của tỉnh Hòa Bình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

(Ảnh minh họa: Thanh Hà/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Thanh Hà/TTXVN)

Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” được triển khai tại 10 xã: Nà Mèo, Nà Phòn, Chiềng Châu, Thị trấn Mai Châu, Tòng Đậu (huyện Mai Châu) và xã Cư Yên, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Trường Sơn, Cao Răm (huyện Lương Sơn) của tỉnh Hòa Bình.

Đây là một trong hai tỉnh thực hiện Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua Tổ chức Oxfam, từ tháng 3/2015 đến tháng 2/2018.

Đến nay, dự án đã bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương.

Người dân tham gia quản lý ngân sách Nhà nước

Chia sẻ về mục tiêu của Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” thực hiện ở Hòa Bình, bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng bộ phận quản trị công, Tổ chức Oxfam, cho biết dự án góp phần tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào ngân sách nhà nước tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện mục tiêu nhằm tăng cường vai trò của người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ trong việc tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát ngân sách Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát ngân sách công. Qua đó tạo cơ sở để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động của ngân sách Nhà nước, có kết quả tốt và phát triển bền vững trong tương lai.

Dự án tập trung thực hiện những hoạt động chính như: nâng cao nhận thức về hoạt động thu, chi ngân sách cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ ở địa phương. Từ đó góp phần tác động tới việc thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo và phát triển ở địa phương. Hội đồng Nhân dân các cấp thực hiện hoạt động có hiệu quả hơn trong vai trò giám sát các quá trình thu, chi ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào các hoạt động này.

Ủy ban Nhân dân từ cấp xã đến cấp tỉnh tạo không gian cho các tổ chức cộng đồng tham gia một cách thiết thực vào quy trình xây dựng ngân sách Nhà nước và giám sát ngân sách của các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển tại cơ sở…

Nâng cao năng lực cho người hưởng lợi

Trước đây, phần lớn người dân không quan tâm đến việc quản lý ngân sách, kể cả những dự án đầu tư liên quan trực tiếp tại địa phương.

Nhưng từ khi tham gia vào Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước,” người dân tại 10 xã thuộc hai huyện Mai Châu và Lương Sơn (Hòa Bình) được cung cấp kiến thức về quản lý ngân sách, giám sát ngân sách của các chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hội đồng nhân dân các cấp cũng hoạt động có hiệu quả hơn trong giám sát thu, chi ngân sách, thúc đẩy thực hiện minh bạch ngân sách tại địa phương.

Là một trong những xã thuộc huyện Lương Sơn được hưởng lợi từ Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước,” ông Hoàng Minh Thắng, xã Nhuận Trạch, phấn khởi chia sẻ đã tham gia dự án hơn một năm nhưng được trang bị và cung cấp kiến thức cơ bản giúp người dân có thể tham gia vào quá trình quản lý ngân sách ở cộng đồng được tốt hơn. Nhất là trong bối cảnh ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, vì thế đòi hỏi địa phương phải quản lý ngân sách hiệu quả và việc nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung này là việc cần thiết và quan trọng.

Cũng theo ông Hoàng Minh Thắng, trước đây, sự tham gia của người dân vào việc quản lý, giám sát các dự án ở địa phương là rất ít. Nhưng từ khi người dân được tham gia Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước,” trình độ và kiến thức về việc tham gia vào việc quản lý dự án được nâng lên. Người dân đã biết cách giám sát các dự án tại địa phương sao cho việc triển khai được hiệu quả.

Cụ thể, khi có dự án về địa phương thì người dân đã biết tìm hiểu, quan tâm tổng mức đầu tư, các hạng mục và quy cách vận hành... Nhờ đó mà việc quản lý đầu tư ở địa phương đã hiệu quả hơn trước như: tiết kiệm nguồn vốn, tiến độ thực hiện và đặc biệt là chất lượng của công trình được đảm bảo.

Nhấn mạnh đến vai trò của Dự án trong việc giúp người dân quản lý các dự án tại địa phương hiệu quả hơn, chị Bùi Thị Liên, sinh sống tại xã Cao Răm, bày tỏ trong thời gian tham gia dự án, người dân có cơ hội, khả năng tham gia đóng góp vào việc quản lý ngân sách nhà nước được hiệu quả.

Cụ thể năm 2016, trên địa bàn xã Cao Răm có nhiều dự án, trong đó có các dự án về giáo dục, xây dựng đường giao thông liên xóm. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn của Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước,” người dân đã có kiến thức và năng lực tham gia tìm hiểu, quản lý các dự án hiệu quả hơn.

Cần nhân rộng kết quả của dự án

Trong bối cảnh quá trình cải cách bộ máy hành chính đang có những bước chuyển biến rõ nét và sự quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các địa phương trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch thì quá trình triển khai Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước,” trong các năm tiếp theo là cần thiết.

Thành viên Ban quản lý dự án đang trao đổi với nông dân về việc tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước tốt hơn. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Điệp/Vietnam+)

Đánh giá về những hiệu quả thiết thực mà dự án mang lại cho người dân và mong muốn nhân rộng kết quả của dự án trong thời gian tới, ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết sau khi được tham gia dự án này, bản thân cán bộ tham gia thực hiện dự án đã được nâng cao năng lực. Hội đã tự tin cử cán bộ tham gia đoàn khảo sát đánh giá đầu vào của các dự án tại địa phương. Nếu không được tham gia khóa tập huấn của dự án, chắc chắn cán bộ sẽ không đủ trình độ và hiểu biết để tham gia giám sát, đánh giá dự án.

Hơn nữa, thành viên các nhóm nòng cốt sau khi được tham gia tập huấn, đã áp dụng ngay vào việc triển khai các cuộc giao lưu sân khấu hóa do chính những người được tập huấn có kiến thức về lĩnh vực này thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân có kiến thức về thu, chi ngân sách.

Bên cạnh đó, thành viên của nhóm cộng đồng cũng đã thực hiện tuyên truyền tăng cường công khai minh bạch, sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách, kỹ năng giải trình, giải quyết tình huống xung đột trong đối thoại, phương pháp truyền đạt thông tin.

Để việc nhân rộng mô hình của dự án sang các địa phương khác trong thời gian tới có hiệu quả, ông Nguyễn Trường Phong nhấn mạnh trong suốt quá trình thực hiện dự án, hội nông dân luôn gắn trách nhiệm của đơn vị tổ chức vào việc triển khai hoạt động của dự án; gắn nhiệm vụ của dự án vào các hoạt động chuyên môn của Hội. Do đó, khi dự án kết thúc, hiệu quả của dự án vẫn được duy trì và phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Trường Phong mong muốn tiếp tục có được những sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật, chuyên môn, kinh phí của các đối tác để có thể thực hiện được những hoạt động thiết thực, tạo nền tảng cho quá trình thay đổi tư duy của người dân, từ đó tạo nên những thay đổi tốt hơn cho địa phương trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước./.

Nguyễn Hồng Điệp (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-vao-quan-ly-ngan-sach-nha-nuoc/421697.vnp