Tăng cường thông tin, truyền thông nhằm hành động sớm, chủ động trước thiên tai

'Hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu' là chủ đề được Liên hợp quốc phát động, định hướng xuyên suốt trong những năm qua nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia.

Người dân huyện biên giới Đức Cơ khoan giếng để cố gắng cứu diện tích càphê đang dần khô héo vì hạn hán. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Người dân huyện biên giới Đức Cơ khoan giếng để cố gắng cứu diện tích càphê đang dần khô héo vì hạn hán. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động lớn đến cộng đồng.

Trước tình hình đó, Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2024 có chủ đề: “Hành động sớm- Chủ động trước thiên tai” với mục đích tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời, chủ động, sẵn sàng với các phương án ứng phó các loại hình thiên tai.

Hành động sớm trước thiên tai khốc liệt

Tính đến hết tháng 4/2024, trên cả nước đã xảy ra 13 loại hình thiên tai: Mưa lớn, lốc, sét, mưa đá; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường; hậu quả, 12 người chết, mất tích, 21 người bị thương, 189 nhà sập đổ, 25.351 nhà hư hỏng, tốc mái…

Nhiều loại hình thiên tai gây hậu quả diện rộng như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng diễn ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên cả nước.

Hiện đã có 4 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Long An công bố tình huống khẩn cấp do hạn; trong đó, Cà Mau và Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp cấp độ 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) và khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Với sự chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo, cảnh báo sớm từ Cơ quan khí tượng thủy văn về các hiện tượng El nino, nắng nóng, xâm nhập mặn, hạn hán và cảnh báo cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm (cấp V)…, thông qua nhiều cuộc họp của các bộ, ngành chủ quản nên nhiều địa phương đã có những “hành động sớm" để ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn, ngay từ giữa năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước trên mương, vườn, ao… các mô hình đã áp dụng trong thời gian qua.

Đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tưới nhỏ giọt, phun sương tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm cho cây; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật ứng phó trước, trong và sau mùa khô.

Tỉnh nhân rộng những mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả; tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước...; theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, xâm nhập mặn để kịp thời thời ứng phó, sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ, người dân sản xuất 22.000ha sầu riêng tại Tiền Giang được tập huấn các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước hạn, mặn.

Sở cũng khuyến cáo người sản xuất chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo đủ tưới và cung cấp dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu cây trồng; tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho cây để tránh những nguy cơ thiệt hại sau hạn hán và xâm nhập mặn.

Cùng với hạn hán, xâm nhập mặn, hiện tượng cháy rừng trong thời gian qua cũng diễn ra nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Là địa bàn có nguy cơ cảnh báo cháy rừng rất cao, nhất là vào mùa khô, tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp thiết thực để chủ động ứng phó sớm với nguy cơ cháy rừng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực trọng điểm cháy; trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các lực lượng còn sử dụng một xe chuyên dùng cơ động của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên-Châu Đốc, 1 xe 15 chỗ của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn quản lý, 59 xuồng...

Các huyện trên địa bàn trang bị 126 máy chữa cháy chuyên dụng; 146 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.500 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, kẻng báo động…

Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Nai) có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, là khu Ramsar thứ 2.000 thế giới. Hiện Vườn có các khu A1,A3, A4 và A5 dự báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm), khu A2 dự báo cháy cấp IV (nguy hiểm).

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Ông Phan Hữu Tình, Phòng Quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024, Vườn chủ động mọi nguồn lực, ứng trực 24/24 giờ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vườn đã trang bị camera, flycam ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy xảy ra; đồng thời huy động hàng trăm nhân lực sẵn sàng ứng trực, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vườn còn có 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, cùng máy bơm chữa cháy chuyên dụng và cải tiến, hàng chục nghìn mét dây chữa cháy, hàng trăm bình xịt, cùng với bàn cào dập lửa, lăng phun nước…, sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Viên, Giám đốc Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang), để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay, Ban Quản lý đã lập kế hoạch giữ ẩm cho thảm thực vật và mặt đất bằng cách bố trí 2 cống hở cùng 1 trạm bơm điện công suất lớn để bơm nước vào ngập đồng, hạn chế nguy cơ cháy.

Ngoài ra, Ban Quản lý đã ký kết về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với chính quyền địa phương cùng các đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền trực tiếp với người dân vùng đệm

Tăng cường dự báo kịp thời

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, "Hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu" là chủ đề được Liên hợp quốc phát động, định hướng xuyên suốt trong những năm qua nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia về cảnh báo, dự báo và chuẩn bị ứng phó trước thiên tai.

 Nhà vườn xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đào ao trữ nước tưới cho cây trồng mùa hạn mặn. (Ảnh Công Trí/TTXVN)

Nhà vườn xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đào ao trữ nước tưới cho cây trồng mùa hạn mặn. (Ảnh Công Trí/TTXVN)

Các chính sách, chiến lược của Liên hợp quốc đã và đang được Việt Nam hưởng ứng, tích cực triển khai trong nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực ở cả Trung ương và địa phương.

Do vậy, các địa phương cần có giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện theo "3 trụ cột" của Hành động sớm là Cải thiện thông tin, lập kế hoạch, thực hiện hành động sớm và bố trí nguồn tài chính sẵn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng điều quan trọng nhất là cảnh báo, dự báo phải ngày càng chính xác hơn.

Đồng thời, việc các thông tin cảnh báo đến được với đối tượng tác động còn quan trọng hơn việc cảnh báo đúng vì nếu chỉ cảnh báo đúng mà không truyền tải kịp thông tin đến đối tượng dễ bị tổn thương thì không thể giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, cần tăng cường hợp tác trong Đối tác giảm nhẹ thiên tai bằng việc tạo kênh liên lạc và hợp tác mạnh mẽ giữa các thành viên trong Đối tác, các bộ, ngành và địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, qua đó xây dựng phương pháp tiếp cận toàn diện để quản lý rủi ro thiên tai.

“Chung tay hành động sớm trên quy mô lớn có thể làm được và hiệu quả trước thiên tai, giúp người dân được hỗ trợ sớm, nhanh hơn với chi phí giảm một nửa so với giai đoạn ứng phó," bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan khẳng định: “Chúng ta không thể ở trong thế bị động, hay nói một cách khác là phải hành động sớm ngay từ trong suy nghĩ, phương thức tiếp cận cho đến cách triển khai.

Rất may mắn là các quốc gia ASEAN và đối tác đều có chung quan điểm và thống nhất về biện pháp này khi ứng phó với thiên tai. Một đồng bỏ ra để hành động sớm thì đỡ tốn hơn 10 đồng khi khắc phục hậu quả,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, dựa trên những kinh nghiệm trong năm làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường phòng tránh hơn là chống chịu thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-thong-tin-truyen-thong-nham-hanh-dong-som-chu-dong-truoc-thien-tai-post954559.vnp