Tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo

Xây dựng bản đồ công nghệ là một trong những nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) quan trọng nhằm nhận diện chính xác những vấn đề công nghệ của Việt Nam, xác định lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp.

Riêng trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo, xây dựng bản đồ công nghệ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm... Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

Thu hoạch lúa ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền

- Trước tiên xin ông cho biết, xây dựng bản đồ công nghệ có tác động như thế nào đối với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chọn tạo giống?

- Lộ trình xây dựng bản đồ công nghệ của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, nhưng đến giờ chúng ta mới thực hiện thí điểm. Trong đó, việc xây dựng lộ trình công nghệ cho chọn tạo giống lúa là hết sức quan trọng vì Việt Nam là nước nông nghiệp. Bản đồ này cho phép đánh giá được mức độ công nghệ đang áp dụng trong chọn tạo giống lúa: Có bao nhiêu tổ hợp công nghệ tham gia vào quá trình này và đặc biệt là vị trí, mức độ, trình độ KH&CN của Việt Nam ở trong các tổ hợp công nghệ đó. Câu trả lời giúp cho Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các bộ, ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp có căn cứ để lập chiến lược phát triển.

- Vậy, tác động của việc lập bản đồ công nghệ đối với các doanh nghiệp và người nông dân sẽ như thế nào?

- Doanh nghiệp muốn cạnh tranh được thì phải dựa vào bản đồ công nghệ này để đưa ra các kế hoạch, chiến lược phát triển cho từng sản phẩm phù hợp với mức đầu tư. Doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ sẽ tạo ra các giống mới với sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Người nông dân sử dụng giống mới sẽ giảm được chi phí, tạo ra sản phẩm an toàn và tăng hiệu quả kinh tế. Ví dụ như Công ty Giống cây trồng trung ương muốn cạnh tranh mặt hàng lúa trong khu vực thì tập trung vào các giống lúa hạt dài thơm hoặc hạt tròn để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người nông dân phải tạo ra được sản phẩm gạo ngon, không có dư lượng thuốc trừ sâu.

- Tại Công ty Giống cây trồng trung ương mà ông vừa nêu, lộ trình đổi mới công nghệ trong chọn tạo giống lúa được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, đơn vị này được Bộ KH&CN và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho phép thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng công nghệ trong sản xuất lúa gạo và nhu cầu đổi mới trong sản xuất lúa gạo từ các tỉnh miền Bắc cho đến duyên hải Nam Trung Bộ”. Để thực hiện đề tài này, Công ty đã phối hợp với các nhà khoa học, các viện, các trường như Viện Di truyền nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài Bộ NN&PTNT, các nhà quản lý đánh giá đúng thực trạng và vẽ được bản đồ công nghệ về sản xuất lúa gạo. Lộ trình được xây dựng trên cơ sở công nghệ hiện nay, đó là 18 tổ hợp công nghệ gồm 40 công nghệ thành phần tham gia vào chọn tạo giống lúa. Trên thực tế, Công ty không đủ sức để áp dụng được tất cả, mà chỉ lựa chọn ra 5 công nghệ phổ biến nhất, đó là công nghệ lai hữu tính, lai xa (trong đó có lai khác loài, lai trong loài), lai khác chi... Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sử dụng phương pháp gây đột biến, tức là tạo ra các biến dị di truyền có những đặc tính mong muốn như năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng chống chịu với sự bất thuận của môi trường, có hương thơm, hạt dài... đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tóm lại, họ sử dụng công nghệ lai tạo và đột biến. Trong những năm gần đây, khi công nghệ sinh học phát triển như vũ bão, Việt Nam cũng đang tiếp cận công nghệ mắc cơ phân tử để tạo các đặc tính mong muốn cho giống lúa.

- Trước tình trạng ngập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, liệu chúng ta có thể tạo ra một giống lúa có khả năng siêu chịu hạn, chịu mặn trong tương lai gần hay không, thưa ông?

- Trong khoảng 8 - 10 năm nữa chúng ta sẽ tạo được những giống lúa chịu mặn. Hiện nay, sau 3 năm nghiên cứu, chúng ta đã đưa ra được các giống lúa chịu mặn từ 3 phần nghìn lên đến 4-5 phần nghìn trong phòng thí nghiệm. Trong 1-2 năm tới, các giống này sẽ được đưa ra để thử nghiệm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

- Ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

- Khả năng cạnh tranh về lúa gạo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam là một nước đông dân. Diện tích trồng lúa của Việt Nam có 3,8 triệu héc ta. Nếu nhân 2 vụ, diện tích trồng lúa nước của ta vẫn ít hơn so với Thái Lan (có 11 triệu héc ta trồng lúa). Nhưng, khi tính giá trị trên 1 đơn vị diện tích thì Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, muốn cạnh tranh được thì chúng ta phải tạo ra được các giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt.

- Xin cảm ơn ông!

Ánh Tuyết thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/840071/tang-kha-nang-canh-tranh-cho-san-pham-lua-gao