Tăng lương, thuế: Khi những quy trình 'vênh' nhau đến nhói lòng

Khi có tin tăng lương tối thiểu chung, và Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018 lên 6,5 % chưa được bao lâu, tôi đã ngã ngửa khi nghe tin đề xuất tăng thuế VAT của bộ Tài chính.

Trải qua bao nhiêu lộ trình tăng lương, nhưng kết quả cuối cùng tôi và chúng ta được nghe là gì: Lương tối thiểu chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu người lao động. Tại sao vậy?

Đơn giản thôi, bạn có thể hiểu như thế này!

Thực tế hiện nay, khẳng định một điều rằng không có loại hàng hóa, dịch vụ nào mà không có sự liên quan tới các loại hàng hóa hay dịch vụ khác. Điển hình như cân thịt, con cá hay mớ rau, muốn đến được tay người dùng thì cũng phải cần nhiều yếu tố đầu vào (xăng dầu của dịch vụ vận chuyển, tiền công lao động, dịch vụ đóng gói, v.v…) và thậm chí cả tiền thuê shipper.Đó chính là những “ngõ ngách” khiến giá đội lên, và chỉ chờ lý do để tăng.

Khi người dân đang cố bão hoà với thị trường do giá cả leo thang thì lại nhận được tin tăng thuế VAT của bộ Tài Chính. Thuế VAT tiêu dùng là một chính sách thuế không trừ một ai, có độ phủ sóng rộng khắp.

Và, chắc chắn rằng người thu nhập thấp, người nghèo sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế VAT chứ không phải không ảnh hưởng như lời của một thứ trưởng bộ Tài chính nói.

Cháu tôi vừa mới sinh được vài tháng tuổi, tuy chưa biết nhận thức và cũng cần phải lớn. Mẹ cháu phải ăn uống, tẩm bổ để có sữa nuôi con. Bên cạnh nhà tôi cũng có cụ già đang bệnh nặng, duy trì sự sống qua ngày bằng cách thở ô –xy và hoá trị. Nhìn vậy thôi, chứ những người này đều đang phải chịu thuế VAT vì đều phát sinh tiêu dùng. Và một điều hiển nhiên, tiêu dùng của đối tượng chưa tới tuổi lao động hoặc mất khả năng lao động sẽ dồn gánh nặng lên người lao động hiện hữu.

Thị trường Việt Nam phải nói cực kỳ nhạy cảm. Nếu có bất kỳ một động thái nào về tăng lương, tăng thuế, tăng phí thì ngay lập tức giá các mặt hàng cũng tăng theo, thậm chí tăng trước. Vậy tăng lương cũng chỉ đề bù đắp cái phần tăng theo đó, cũng chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống người dân chăng?

Trước đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có dự đoán rằng, theo lộ trình sớm nhất phải đến năm 2020 thì mức tăng lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân, lao động. Tối thiểu phải được hiểu chí ít là đủ sống, không giật gấu vá vai, không “vay nợ lắm khi tràn nước mắt”, không phải nhịn thuốc thang khi lâm bệnh tật.

Bản thân tôi vẫn đang “nghi ngờ” về dự đoán này. Vì mức tăng lương tối thiểu trên thực tế là trên một đầu thu nhập, trong khi mức chi tiêu vì tăng thuế VAT lại trải rộng ở hàng trăm ngàn loại dịch vụ, hàng hóa trong đó có nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu, mỗi thứ đều vì tăng thuế VAT 2% mà có thể tăng giá.

*Bài viết thể hiện qua điểm riêng của tác giả

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tang-luong-thue-khi-nhung-quy-trinh-venh-nhau-den-nhoi-long-208947.htm