Tăng lương tối thiểu khiến Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh

Sáng 16-6, tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 đã diễn ra với chủ đề "Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới". Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về những vướng mắc của doanh nghiệp và vấn đề cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó đề cập sâu về vấn đề thu hút đầu tư khu vực tư nhân trước tác động của các chính sách toàn cầu; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, thế mạnh lao động giá rẻ của Việt Nam sắp không còn bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác đầu tư & thương mại cho rằng, chi phí lao động tăng nhanh có thể thể làm giảm sức thu hút của Việt Nam và khả năng tiếp tục tạo việc làm cho những người trẻ khi bước vào thị trường lao động của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.

Quang cảnh diễn đàn VBF giữa kỳ 2017

Đại diện cho hơn 1.600 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã đưa ra một số ý kiến dựa trên quan điểm về việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.Tại đây, ông cho rằng, khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ với trụ cột là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo lãnh đạo JBAV, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ giảm khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI. Hơn nữa, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.

Người đứng đầu Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngay lập tức. Đề xuất mới về “Dự thảo Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ” được đưa ra tại Quốc hội cho thấy, Việt Nam nhận thức rất rõ về vấn đề này.

Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ông Karashima cho rằng cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những doanh nghiệp có thế mạnh và kiến thức chuyên môn cao (chẳng hạn như các nhà sản xuất khuôn mẫu), được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước.

Hiện nay, một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Đáp lại ý kiến của đại diện JBAV, Thứ trưởng Đặng Huy Đông mong muốn các hiệp hội DN đưa ra khuyến nghị hữu ích và khả thi để cùng phát triển hiệu quả hơn. Bộ KH&ĐT sẽ tập hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo cơ quan liên quan giải quyết trên tinh thần hợp tác.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tang-luong-toi-thieu-khien-viet-nam-mat-kha-nang-canh-tranh-445783/