Tăng mạnh nhập khẩu thuốc trừ sâu: Không bình thường! Những con số đáng… 'giật mình'

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 50%, thuốc trừ sâu khoảng 25%, thuốc trừ bệnh khoảng 20%, còn lại là các thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng như thuốc trừ chuột, trừ ốc, mối… Số liệu của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, số thuốc trừ sâu nhập về đã tăng gần 20%. Tại sao số lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam lặp lại tình trạng “năm sau cao hơn năm trước”?

Nhiều hóa chất BVTV đã được loại bỏ khỏi danh mục sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: P.V

Những con số đáng ... "giật mình"

Số liệu tổng kết của Bộ NNPTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu trong tháng 2.2017 ước đạt 68 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 2 tháng đầu năm 2017 đạt 129 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong tháng 1.2017 chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm tới 59,8% tổng giá trị của mặt hàng này. Trong tháng 1.2017, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chỉ tăng tại 3 thị trường là Trung Quốc, Đức và Đài Loan (Trung Quốc) với giá trị tăng lần lượt là 8%, 89,1% và 22,8%. Các thị trường khác giá trị nhập khẩu đều giảm trong đó thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất là Thái Lan, so với cùng kỳ năm 2016 giá trị nhập khẩu của thị trường này giảm 54,8%.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về số liệu thuốc trừ sâu nhập vào nước ta trong 2 tháng đầu năm 2017 đã tăng 19,8%, trong khi ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, nông sản hữu cơ, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV - khẳng định: Việc tăng thêm số lượng thuốc BVTV đầu năm cũng là chuyện bình thường, không khẳng định được số lượng thuốc BVTV gia tăng, vì có thể các DN chỉ nhập 1 lần từ đầu năm, không muốn nhập lắt nhắt. Hơn nữa, đợt nhập thuốc BVTV đầu năm là để phục vụ sản xuất vụ hè thu. Ngoài ra, lượng thuốc BVTV nhập về tăng lên, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ cấu cây trồng thay đổi, diện tích cây trồng, cơ chế thuốc thay đổi… Hơn nữa, trong số thuốc nhập về, còn gồm cả thuốc diệt cỏ.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) - đưa ra thông tin: Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm trên đồng ruộng. Gần đây các doanh nghiệp (DN) nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%, bởi Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV của thế giới (chiếm 40%).

Các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu BVTV về không chỉ để sử dụng ở Việt Nam mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác như Campuchia (sử dụng đến 80% thuốc BVTV của Việt Nam), Lào, Myanmar, Singapore, Philippines... chứ không phải chỉ để sử dụng toàn bộ cho đồng ruộng Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nhập ngày càng nhiều nguyên liệu, thuốc BVTV.

Tại sao thuốc BVTV có hoạt chất cấm vẫn được “gia hạn” lưu hành?

Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, căn cứ theo số liệu nhập khẩu thuốc BVTV trong 3 năm gần đây, cho thấy: Tổng trọng lượng thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D nhập khẩu chiếm trung bình 2,97% tổng trọng lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam và chiếm 1,34% giá trị kim ngạch nhập khẩu. Tổng trọng lượng thuốc BVTV chứa hoạt chất paraquat nhập khẩu chiếm trung bình 11,39% tổng trọng lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam và chiếm 5,31% giá trị kim ngạch nhập khẩu. Theo quy định mới, thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và paraquat bị loại khỏi danh mục chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định loại thuốc BVTV khỏi Danh mục của bộ NNPTNT có hiệu lực (8.2.2017) theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8.6.2015 về quản lý thuốc BVTV.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là hiện nay, trong số 74 hoạt chất thuốc trừ cỏ nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, có 13 hoạt chất có thể thay thế 2.4D trừ cỏ dại trên các loại cây trồng cũng như vùng đất không trồng trọt (trong đó có 6 hoạt chất thuốc BVTV thế hệ mới). Trong đó, các thuốc trừ cỏ không chọn lọc, cùng công dụng với paraquat gồm glyphosate, glufosinate-ammonium, Diuron... có thể thay thế hoàn toàn được thuốc trừ cỏ paraquat trong danh mục và đều có độ độc cấp tính và mãn tính thấp hơn.

Ngoài ra có 71 hoạt chất khác đăng ký trừ cỏ chọn lọc đối với từng nhóm cỏ và trên từng loại cây trồng… có thể thay thế hoàn toàn paraquat. Vậy, tại sao các thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D và paraquat vẫn được gia hạn sử dụng đến 2 năm? Lý giải với PV về vấn đề này, ông Hoàng Trung cho rằng: Thời hạn được lưu hành đều dựa trên quy định về Luật Bảo vệ thực vật và khoản 3 Điều 7 Thông tư 21 về quản lý thuốc BVTV. Nếu muốn thay đổi các quy định về Luật, đều phải có lộ trình.

Nếu như vậy, trong vòng 2 năm tới, các DN sẽ cố sử dụng hết số lượng thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và paraquat. Nghĩa là, môi trường, đất đai, thổ nhưỡng… của Việt Nam lại oằn mình gánh chịu những độc tố chết người do hoạt chất 2.4D và paraquat gây ra.

Phong Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/tang-manh-nhap-khau-thuoc-tru-sau-khong-binh-thuong-nhung-con-so-dang-giat-minh-645526.bld