Tăng năng lực truyền tải hệ thống điện

Từ 2011-2015, EVN NPT đã đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng năng lực truyền tải toàn hệ thống điện.

Công nhân Truyền tải điện Gia Lai bảo dưỡng dụng cụ để sẵn sàng công tác sửa chữa. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT cho biết, từ nay đến năm 2020, Tổng công ty sẽ hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 68 công trình lưới điện truyền tải 500kV với tổng chiều dài khoảng 3.465 km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 25.000 MVA. Cùng với đó là 315 công trình lưới điện truyền tải 220kV với tổng chiều dài khoảng 7.583 km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 35.340 MVA.

“Việc thực hiện đúng tiến độ các dự án này sẽ đạt được các mục tiêu nâng cao khả năng cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện áp và góp phần hiệu quả giảm tổn thất điện năng”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng nhấn mạnh.

Trên thực tế 5 năm vừa qua (2011-2015), EVNNPT đã đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng năng lực truyền tải toàn hệ thống điện. Từ đó, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam.

Cụ thể, với việc hoàn thành đưa vào vận hành 213 công trình 220-500kV với tổng chiều dài 8.105 km đường dây và tổng dung lượng các máy biến áp đạt 28.426 MVA, tổng giá trị đầu tư đạt 74.632 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với khối lượng đầu tư giai đoạn 2008-2010.

Như vậy, so với nhiệm vụ đầu tư lưới điện truyền tải giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 854/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011–2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì khối lượng lưới điện truyền tải 220-500kV đạt 93% về số công trình; công suất máy biến áp tăng thêm đạt 89%, chiều dài đường dây đạt 92%.

Các thiết bị và dụng cụ để sửa chữa nóng đường dây. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Trong đó, khối lượng hoàn thành lưới điện cao áp 500kV đạt tương ứng 104%, 99% và 90%. Vì vậy, tổn thất điện năng của Tổng công ty đã giảm từ 3,13% (năm 2010) xuống 2,34% (năm 2015).

Mặc dù vậy, so với chỉ tiêu mà EVN giao thì Tổng công ty có 3 năm liền không đạt kế hoạch là các năm 2013, 2014 và 2015. Nguyên nhân chính xuất phát từ phương thức vận hành lưới điện 500kV Bắc-Nam luôn phải truyền tải công suất lớn để đưa điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam với sản lượng điện truyền tải năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ngoài ra, trong điều kiện lưới truyền tải còn vận hành đầy và quá tải, lưới điện nhiều khu vực chưa đảm bảo điều kiện n-1 cũng là nguyên nhân gây tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải còn cao hơn so với kế hoạch EVN giao.

Phân tích của EVNNPT trong 6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, do tiếp tục truyền tải cao trên lưới điện 500kV Bắc-Trung-Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho miền Nam, đồng thời khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện và nhiệt điện ở miền Bắc nên sản lượng điện truyền tải từ miền Trung vào miền Nam tăng khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Gần như toàn bộ sản lượng khoảng 5,2 tỷ kWh truyền tải thẳng từ Bắc vào Nam làm tăng tổn thất điện năng trên lưới 500kV. Đồng thời tổn thất điện năng trên lưới điện 500kV chiếm tỷ trọng 48% trong tổng tổn thất điện năng lưới điện truyền tải, trong khi năm 2014 tương ứng là 42%.

Công nhân lắp đặt định vị trên đường dây 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS

Nguyên nhân tổn thất điện năng trong 6 tháng đầu năm tăng được Tổng công ty nhìn nhận là do lưới điện truyền tải chưa đáp ứng tiêu chí n-1 nên khi xảy ra sự cố hoặc cắt điện sửa chữa hay phụ tải tăng đột biến dẫn đến quá tải thiết bị liên quan.

Để đạt mục tiêu giảm tổn thất điện năng về mức 2,1% trong năm nay, EVNNPT đang yêu cầu các Công ty truyền tải điện, các Ban Quản lý dự án hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan và tìm giải pháp xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ cấp điện, đảm bảo các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công. Đồng thời bố trí lịch cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm nhu cầu sử dụng điện thấp.

Bên cạnh đó, các Công ty truyền tải điện liên tục rà soát các máy biến áp, đường dây đã vận hành trên 20 năm thường xuyên đầy và quá tải để có kế hoạch thay thế kịp thời; trong đó chú trọng đến sử dụng dây dẫn công nghệ mới vừa đảm bảo khả năng chịu lực theo thiết kế của móng cột, vừa nâng khả năng tải của đường dây và giảm tổn thất điện năng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, cùng với tiếp tục áp dụng phần mềm để khai thác hiệu quả hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa phục vụ quản lý sản lượng và tổn thất điện năng cũng như phát hiện các bất thường của hệ thống đo đếm và lưới điện để kịp thời xử lý, EVN NPT cũng tiếp tục triển khai lắp đặt công tơ dự phòng tại các điểm đo đếm của các xuất tuyến 110kV và trung áp các trạm biến áp phục vụ vận hành thị trường điện và theo dõi tổn thất để hoàn thành trước 31/12/2016.

Trong năm 2017, EVNNPT sẽ hoàn thành lắp đặt tụ bù ngang (thiết bị hỗ trợ nâng điện áp và giảm tổn thất) tại 10 trạm biến áp với tổng dung lượng 700 MVAr; trong đó có 5 trạm trên lưới điện miền Bắc và 5 trạm trên lưới điện miền Nam.

Cùng với đó, Tổng công ty cũng lắp kháng bù ngang 500kV (thiết bị giữ điện áp), công suất 128 MVAr nhằm ổn định điện áp trên lưới điện 500kV khu vực miền Trung và miền Nam tại 6 trạm biến áp là Vũng Áng, Pleiku 2, Đắc Nông, Di Linh, Sông Mây và Cầu Bông.

Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT cũng ưu tiên sử dụng máy biến áp, dây dẫn và thiết bị có tổn thất thấp nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Trước mắt trong quý 4 tới, Tổng công ty triển khai lắp đặt thiết bị giám sát trực tuyến các máy biến áp và kháng bù ngang 500kV để tăng cường giám sát, phát hiện sớm bất thường trong vận hành.

Sau đó, trong quý 1/2017, Tổng công ty sẽ trang bị thiết bị định vị sự cố cho 46 đường dây, bao gồm các đường dây 500kV và một số đường dây 220kV quan trọng để tìm và khắc phục nhanh sự cố, trả lại thiết bị vận hành bình thường./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tang-nang-luc-truyen-tai-he-thong-dien/24003.html