Tăng quyền lợi cho lao động nữ là tiến bộ của xã hội

Doanh nghiệp trang bị ca-bin vắt sữa cho lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về những quyền lợi của lao động nữ được quy định tại khoản 5 điều 155 Bộ luật Lao động 2012 và được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP?

- Quy định lao động nữ được nghỉ khi hành kinh 30 phút/ngày và được nghỉ 60 phút/ngày khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tuổi, theo tôi là một quy định nhân văn, tiến bộ của Bộ luật Lao động 2012. Có một thực tế là hiện nay rất nhiều nữ công nhân lao động bị viêm nhiễm phụ khoa do điều kiện vệ sinh kém. Việc nữ công nhân được nghỉ 30 phút khi hành kinh không phải là nhiều mà theo tôi, chỉ đủ để cho chị em làm vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh sạch sẽ, đề phòng viêm nhiễm. Không chỉ bố trí cho chị em được nghỉ 30 phút khi hành kinh, chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ để phục vụ cho nhu cầu của nữ công nhân. Đối với quy định, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày, đây chính là tạo điều kiện cho mẹ được gần gũi với con. Tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, họ còn chủ động xây dựng các ca-bin vắt sữa để cho các lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi vào đó vắt trữ sữa, chiều đem về cho con. Qua khảo sát và ghi nhận tâm lý, nguyện vọng của các đoàn viên, lao động nữ, chúng tôi thấy rằng, chị em rất hoan nghênh với các điều khoản này, điều này phần nào giúp chị em thấy an tâm hơn, cảm thấy sức khỏe của mình được quan tâm, họ cũng an tâm làm việc.

Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 đang đề xuất bỏ những điều khoản này, là người phụ trách công tác nữ công, bà thấy đề xuất này như thế nào?

- Đề xuất bỏ các điều khoản “lao động nữ nghỉ 30 phút khi hành kinh” và “lao động nữ nuôi con nhỏ không còn được nghỉ 60 phút” là một bước lùi của luật. Qua các buổi tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của lao động nữ, 100% lao động nữ không đồng ý với đề xuất bỏ. Nhiều chủ doanh nghiệp không chỉ thực hiện tốt các quy định này mà còn có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho lao động nữ, họ cũng không đồng ý với việc đề xuất bỏ các điều khoản này. Với cá nhân tôi, tôi cho rằng, một xã hội tiến bộ chính là xã hội ưu tiên và ngày càng tăng thêm các quyền lợi cho lao động nữ chứ không phải “cắt xén” đi quyền lợi của chị em chỉ vì một vài chủ doanh nghiệp than phiền rằng “ảnh hưởng đến sản xuất”.

Cơ sở để Ban soạn thảo đề xuất bỏ các điều khoản này là do các chủ doanh nghiệp cho rằng “ảnh hưởng đến sản xuất”, vậy theo bà, nếu giữ các điều này lại, cần có những điều chỉnh như thế nào?

- Tại nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi đến khảo sát, họ bố trí lao động nữ nuôi con nhỏ làm những công việc nhẹ nhàng hơn, cho nghỉ sớm hơn, không cho tăng ca… vừa phù hợp với điều kiện của lao động nữ, doanh nghiệp lại dễ dàng sắp xếp công việc. Riêng đối với việc cho lao động nữ khi hành kinh, đây là một quy định rất cần thiết và hữu ích. Vấn đề ở đây là do văn hóa của người Việt vẫn còn e ngại, cho rằng đó là chuyện tế nhị, khó nói giữa lao động nữ nên quy định chưa được áp dụng trong thực tế, đó là một thiệt thòi lớn cho lao động nữ. Tuy nhiên, chúng ta không thể lợi dụng sự e ngại của lao động nữ mà đề xuất bỏ đi. Trách nhiệm của chúng ta là phải phá bỏ tâm lý e ngại của lao động nữ khi nói về chuyện “thầm kín” đó để các điều khoản này được thực thi.

Xin cảm ơn bà!

KHÁNH NINH (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tang-quyen-loi-cho-lao-dong-nu-la-tien-bo-cua-xa-hoi-644895.bld