Tăng thời gian thai sản là tăng quyền lợi cho lao động nữ

Sau thời gian thai sản, nhiều lao động nữ phải xin nghỉ việc không lương do không có điều kiện gửi con.

Để có thêm cơ sở thực tiễn trong việc tham gia với Nhà nước trong việc bổ sung, sửa đổi chính sách thai sản cho lao động nữ (LĐN) theo hướng nâng thời gian nghỉ thai sản đối với LĐN lên sáu tháng, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Alive and Thrive (A&T), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khảo sát tại 12 tỉnh, thành phố.

Đây là những nơi có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước; khảo sát tiến hành với 1.500 nữ công nhân, viên chức lao động trong độ tuổi sinh đẻ, đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi hoặc mang thai lần thứ hai.

Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Kết quả khảo sát cho thấy 84,4% người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn khẳng định LĐN tại doanh nghiệp xin nghỉ thêm ngoài bốn tháng theo chính sách. 83% LĐN cho rằng, việc quay trở lại làm việc sẽ rất khó cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu; gần 90% đồng thuận với chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng. Đại diện các doanh nghiệp, các cán bộ công đoàn cũng khẳng định, LĐN muốn xin nghỉ thêm ít nhất một tháng và đề xuất, LĐN được nghỉ trước và sau khi sinh cộng lại là sáu tháng trong điều kiện bình thường”.

Qua khảo sát, mức thu nhập của LĐN hiện nay còn rất thấp, chưa tương xứng với cường độ và thời gian làm việc, khiến áp lực càng dồn lên họ sau khi sinh con, đặc biệt là khoản tiền gửi con hằng tháng. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho thấy, mức lương trong thời gian nghỉ thai sản còn quá thấp, chỉ từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe LĐN, chất lượng nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại các nhà trọ, khẩu phần ăn của các cặp vợ chồng công nhân trẻ, nhất là các bà mẹ trong thời gian cho con bú đạm bạc, chủ yếu là chất bột, rất ít chất đạm bổ dưỡng. Cũng qua cuộc điều tra cho thấy, chỉ có 5,7% số doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ, nhưng 97,2% trong số đó không nhận trông trẻ dưới bốn tháng tuổi... Điều này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng LĐN ở nhiều khu công nghiệp không trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh.

Phần lớn LĐN đều xin nghỉ thêm từ một đến hai tháng với mục đích mong con cứng cáp và sức khỏe mẹ ổn định, tuy nhiên cả doanh nghiệp và người lao động đều không có lợi. Trên thực tế, các chế độ, chính sách đối với LĐN sau khi sinh con còn nhiều bất cập. Thông thường, LĐN sau khi nghỉ hết chế độ thai sản thường xin nghỉ một, hai tháng để chăm con là hoàn toàn hợp lý.Tuy nhiên, điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, LĐN không được hưởng lương trong những tháng xin nghỉ ngoài chính sách. Ông Phạm Duy Bắc, Ủy viên Ban Thường Vụ, Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chế độ, chính sách của LĐN, tìm kẽ hở luật để gây khó khăn cho LĐN như: thực hiện giảm giờ làm cho nữ thai sản nhưng chia làm hai lần (30 phút/lần) hoặc cho nghỉ vào giờ đang làm việc (9 giờ hoặc 14 giờ). Như vậy, họ chỉ có thể nghỉ tại chỗ chứ không thể cho con bú; doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động đối với LĐN có thai hoặc trong thời kỳ nuôi con nhỏ; không cho LĐN tiếp tục nghỉ không lương sau khi hết thời hạn nghỉ thai sản; không quan tâm hỗ trợ phần chi phí nuôi và gửi trẻ cũng như tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân theo Điều 116 của Bộ luật Lao động”.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết, nếu chỉ quy trách nhiệm xây dựng nhà trẻ cho doanh nghiệp thì cũng khó thực hiện được. Cần có sự hỗ trợ của các tổ chức hoặc huy động từ các nguồn dư quỹ bảo hiểm xã hội cho ốm đau, thai sản để xây dựng các nhà trẻ công lập, có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục để giảm gánh nặng cho LĐN, đồng thời đảm bảo thực hiện được chính sách phát triển toàn diện cho trẻ em. Nhà nước cũng cần quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp gắn với phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động.

Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc quốc gia của Tổ chức A&T cho rằng: “Đầu tư sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ trong hai năm đầu là tăng sức đề kháng, bảo đảm sức khỏe và thể chất của trẻ trong tương lai. Người mẹ có điều kiện cho con bú trong sáu tháng đầu, sẽ giảm thiểu nguy cơ ung thư vú và đứa trẻ khi trưởng thành sẽ tránh được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường. Việc tăng thêm hai tháng thai sản cho phép LĐN tái đầu tư sức khỏe cho chính họ (lực lượng lao động hiện tại) và trẻ em (lực lượng lao động trong tương lai)”.

Qua khảo sát ở một số quốc gia của Unicef cho thấy, việc phụ nữ được hưởng chính sách nghỉ thai sản dài, có lương sẽ thúc đẩy thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Một chính sách nghỉ thai sản ưu việt sẽ tạo ra lực lượng lao động ổn định gắn bó với doanh nghiệp. Khi người mẹ cho con bú hoàn toàn, con em họ sẽ khỏe mạnh hơn và điều này còn giúp giảm một khoản chi tiêu ước tính khoảng 208 tỷ đồng mỗi năm vì tiết kiệm được chi phí khám, chữa bệnh do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ kém ở Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/suc-khoe/t-ng-th-i-gian-thai-s-n-la-t-ng-quy-n-l-i-cho-lao-ng-n-1.319598