Tăng thuế - biện pháp giảm sử dụng thuốc lá

(Chinhphu.vn) - Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge tại Việt Nam, một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu dùng thuốc lá là tăng thuế đối với mặt hàng này.

Trên thực tế, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực hơn nửa năm nay (từ ngày 1/5/2013), tuy nhiên hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại các điểm công cộng vẫn xảy ra phố biến; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao…

Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng đói nghèo, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của xã hội.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hoàng Anh cũng cho biết tỷ lệ hút thuốc ở nhóm người dân có thu nhập thấp cao hơn ở nhóm có thu nhập cao. Lý do là vì giá thuốc lá ở nước ta còn rất thấp và việc mua bán thuốc lá ở nước ta cũng dễ hơn so với nhiều nước khác trên thế giới.

Theo mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ, tiến tới giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Các mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên (từ 15 đến 24 tuổi), từ 26%/năm trong 2011 xuống còn 18% năm vào năm 2020; nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; nữ giới xuống dưới 1,4% năm vào năm 2020…

Để đạt được những mục tiêu trên, theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, một trong những biện pháp hữu hiệu là cần tăng thuế đối với mặt hàng này. Vì khi tăng thuế thuốc lá thì giá bán sẽ tăng. Việc này sẽ hạn chế tiêu dùng thuốc lá như giảm tỷ lệ hút mới, tăng tỷ lệ người bỏ thuốc và giảm lượng thuốc tiêu thụ, từ đó sẽ góp phần giảm bệnh tật do thuốc lá gây ra.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế thuốc lá cũng tác động trực tiếp đến sự thay đổi hành vi của chính nhóm người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên- những đối tượng sử dụng nhiều thuốc lá.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cập nhật tình hình triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đến thời điểm hiện nay, đã có 6 Bộ, ngành và 36 tỉnh, thành phố và 10 tổ chức đoàn thể có kế hoạch thực hiện triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị mình.

Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới (khoảng 16 triệu người). Trong đó, nam giới chiếm 47,7%, nữ giới 1,4%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trong độ tuổi từ 15-24 chiếm khoảng 26,1% và đang có xu hướng tăng.

Các bệnh liên quan đến hút thuốc là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm.

Dự báo, con số này sẽ tăng lên trên 50.000 ca hàng năm vào năm 2023, chưa kể đến các trường hợp hút thuốc thụ động.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/tang-thue-bien-phap-giam-su-dung-thuoc-la/191363.vgp