Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít để bù đắp nguồn thu

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vừa giúp tăng thu cho ngân sách vừa giúp hạn chế tình trạng buôn lậu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra, về đề xuất nâng khung thuế, phí Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít đang “nóng” dư luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo quy định, việc quyết định khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Hiện khung thuế BVMT với mặt hàng xăng đang là 1.000 đồng - 4.000 đồng/lít và Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ báo cáo với Quốc hội để tăng khung thuế suất này lên 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít.

“Chúng tôi dự kiến báo Chính phủ, Quốc hội tăng khung này lên khi xem xét thuế bảo vệ môi trường” - Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Bởi theo đại diện Bộ Tài chính, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ có một số tác động tích cực. Cụ thể, đây là khoản thu làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế NK xăng dầu về 0%.

Thu thuế bảo vệ môi trường với xăng chiếm tỷ trọng lớn vào ngân sách. Biểu đồ: Lương Bằng

Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhận định, điều chỉnh khung thuế suất thuế bảo vê môi trường xăng dầu cũng là vấn đề góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới. Bởi hiện giá xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có cùng đường biên giới.

Tuy nhiên đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết việc điều chỉnh mức thuế suất thuế BVMT sẽ xem xét thấu đáo và cụ thể về lợi ích DN và người dân và tác động chung của nó đến lạm phát thế nào?

“Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng khi quyết định về mức thuế BVMT cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể”- Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định.

Trước đó, Bộ Tài chính dẫn thông tin từ bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8/5 cho biết, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93).

Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam (giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Petrolimex) cập nhật đến ngày 8/5/2017 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Singapore là 16.528 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít, Hồng Kông là 27.231 đồng/lít.

Trong khi đó, tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83,%, Thái Lan khoảng 67%).

Bộ Tài chính cũng cho biết số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Cụ thể, tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 106.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể, mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định…

Theo Diễn đàn DN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/tang-thue-moi-truong-voi-xang-dau-len-8000-donglit-de-bu-dap-nguon-thu-183544/