Tăng trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng để 'đuổi kịp' cải cách tiền lương?

Để thực hiện đồng bộ với chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.

Việc không được hưởng chế độ lương hưu và không đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác, thì mức trợ cấp hưu trí là một niềm an ủi rất lớn đối với người cao tuổi, vì thế thông tin Chính phủ đang xây dựng nghị định tăng mức tiền trợ cấp xã hội nhận được sự quan tâm của người dân.

Đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng. (Ảnh minh họa)

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH năm 2024 được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu ra ngay từ đầu năm, đôn đốc khẩn trương sửa Nghị định 20, nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Bởi hiện nay, mức trợ giúp xã hội chỉ 360.000 đồng/tháng là rất thấp.

Với nhóm đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng có mức tăng tương đồng với mức tăng lương bình quân của công chức, với lộ trình gồm hai mốc thời điểm là 1/7/2024 và 1/7/2025.

Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ cấp xã hội.

Nhóm bảo trợ xã hội bao gồm những người trên 80 tuổi không có lương hưu, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em bị bỏ rơi…

Mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng.

Tổng kinh phí Nhà nước đang chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, cấp thẻ bảo hiểm y tế khoảng 28 nghìn tỷ đồng/năm.

Tuy vậy, chế độ trợ cấp hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025 (1,5 triệu đồng/tháng), bằng 20% tiền lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng).

Để đảm bảo đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp xã hội đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Hiện Cục Bảo trợ xã hội đã xây dựng phương án, lấy ý kiến bộ ngành và đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí tăng nguồn lực dành cho đối tượng này, phù hợp với điều kiện ngân sách trong bối cảnh cải cách tiền lương.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, chuẩn trợ cấp mỗi tháng nếu tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm.

Nếu thực hiện từ 1/7 tới thì kinh phí phát sinh thêm 4.700 tỷ đồng.

Một phương án nữa được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Với phương án này, theo tính toán của Chính phủ, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7 tới, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/tang-tro-cap-xa-hoi-len-750000-dong-de-duoi-kip-cai-cach-tien-luong-20240510114626141.htm