Tăng trưởng đạt 6,7% sẽ phải đánh đổi

Để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đánh đổi và việc thực hiện các kế hoạch để đạt được mục tiêu trên sẽ gặp nhiều thách thức, các báo cáo vĩ mô độc lập công bố gần đây cảnh báo.

Xăng dầu là đầu vào đáng kể của nền kinh tế. Ảnh: TL.

Theo báo cáo do Marketintello và Trung tâm Ngiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) công bố, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 kỳ vọng đạt mức 6,1%.

Tuy nhiên với việc Chính phủ đã có một số cải thiện trong việc giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và thị trường thế giới khá thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nên có nhiều khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực hơn.

Lạm phát cả năm được dự báo sẽ đạt mức khoảng 2,9%. Mức giảm chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tươi sống và giá xăng dầu giảm.

Hiện tại Chính phủ đã đặt kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, theo báo cáo, kế hoạch này là thách thức.

Báo cáo trích dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30-70 đô la Mỹ. Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), điểm hoàn vốn sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) khoảng 50 đô la Mỹ/thùng.

Vì vậy, báo cáo cho rằng, việc giá dầu thô giảm xuống dưới 50 đô la Mỹ/thùng như hiện nay rõ ràng là một thách thức cho Chính phủ trong việc theo đuổi kế hoạch này.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 dự báo đạt mức 6,37%, và gần với tình trạng “tự nhiên” của nền kinh tế.

Còn ở kịch bản tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%, như Chính phủ phấn đấu, Chính phủ phải bảo đảm các ngành, các lĩnh vực đạt mức tăng sản lượng theo kế hoạch chi tiết đã đề ra.

Đặc biệt, ngành dầu khí được coi như một phương tiện để bù đắp các thiếu hụt về chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP). Vì lý do đó, trong kịch bản này, khu vực kinh tế Nhà nước có sự tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước. Đồng thời, lĩnh vực khai khoáng cũng có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn các năm.

Theo VEPR, “việc Chính phủ phải dựa vào các đối tượng kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, có thể khiến Chính phủ phải thỏa hiệp với những điều kiện cải cách cứng rắn, qua đó trì hoãn những điều chỉnh mà một chính phủ kiến tạo cần thúc đẩy. Phương thức giao chỉ tiêu mà không tạo ra những cơ chế khuyến khích hay tạo động lực mới, sẽ không mang lại kết quả bền vững”.

Như vậy, theo VEPR, hoặc là Chính phủ sẽ luôn phải duy trì chế độ kế hoạch hóa với hiệu quả giảm dần, hoặc nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp khi Chính phủ từ bỏ phương thức quản lý này.

VEPR nhấn mạnh, việc theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi bằng cơ hội phục hồi tăng trưởng bền vững trong trung hạn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161586/tang-truong-dat-67-se-phai-danh-doi.html/