Tăng vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý chi tiêu công

Đây là đánh giá của các chuyên gia về kế toán, kiểm toán đưa ra tại hội thảo giá trị của kiểm toán trong nền kinh tế hiện nay do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Vụ Chế độ kế toán (Bộ Tài chính)...tổ chức vừa diễn ra vào trung tuần 5/2010 tại Hà Nội.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của Nhà nước. Qua hơn 15 năm hoạt động, KTNN Việt Nam đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị có sử dụng NSNN trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, đã kiến nghị tăng thu, giảm chi và đưa vào quản lý qua NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là những kết quả trực diện, có giá trị rất cụ thể. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn chính là báo cáo kết quả kiểm toán đã cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. KTNN đã khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài chính của Nhà nước, khẳng định sự phù hợp trong tiến trình cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, kiểm toán hoạt động đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên có trình độ cao, vừa phải có kiến thức vĩ mô, vừa có kiến thức kinh tế, kỹ thuật của các ngành khác nhau để có thể đánh giá xác đáng, hợp lý tình hình hoạt động của các cơ quan chính phủ. Đây là một thách thức lớn đối với cơ quan KTNN của các quốc gia đang phát triển nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng. KTNN thực hiện kiểm toán các khoản chi tiêu công thông qua hai phương thức: kiểm toán trước (tiền kiểm) và kiểm toán sau (hậu kiểm), góp phần ngăn ngừa rủi ro, răn đe sai phạm, nâng cao hiệu quả trong chi tiêu công. Kiểm toán trước do KTNN thực hiện có lợi thế là ngăn ngừa thiệt hại ngay trước khi nó xảy ra, tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là gây ra sự chồng chéo và xóa nhòa trách nhiệm pháp lý Nhà nước. Kiểm toán sau do cơ quan KTNN thực hiện chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ báo cáo, có thể dẫn tới bồi hoàn thiệt hại đã xảy ra và là việc làm thích hợp để ngăn chặn những tái phạm sau này. Cùng với kiểm toán các khoản chi tiêu công, kiểm toán nợ công giúp Chính phủ có được một bức tranh toàn diện về thu, chi, nợ chính phủ, nhất là các khoản nợ bất thường. Trong thời kỳ khủng hoảng, suy thoái kinh tế, Nhà nước thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng cường chi tiêu công, nhiệm vụ của KTNN càng nặng nề hơn trong việc cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình thực hiện 2 chính sách cùng nới lỏng. Các gói kích cầu của các Chính phủ tuy khác nhau về biện pháp cụ thể, nhưng luôn liên quan đến tăng chi tiêu công vào các mục đích, hình thức khác nhau, như: đầu tư công, bảo lãnh tín dụng, mua lại các tập đoàn kinh tế quan trọng có nguy cơ phá sản, giảm thuế, trợ c p cho người dân... Cùng với sự tiến bộ của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, chi tiêu công ngày càng có vai trò quan trọng trong thực hiện điều tiết vĩ mô của Nhà nước; nhu cầu và sự mong đợi của người dân về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình Chính phủ tăng lên; xu hướng đổi mới phương thức quản lý hành chính theo kết quả hoạt động liên tục phát triển. Để gia tăng vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu lực quản lý chi tiêu công, cần thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, để phát huy vai trò của các cơ quan KTNN, cần hoàn thiện công tác kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, đồng thời tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động và tăng cường kiểm toán theo chuyên đề khi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và quản lý chi tiêu công chuyển sang quản trị theo kết quả đầu ra, lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Thứ hai, KTNN cần tích cực tham gia vào quá trình cải cách tài chính công. KTNN là công cụ kiểm tra, thúc đẩy cải cách tài chính công và chi tiêu công, đồng thời, việc cải cách tài chính công và chi tiêu công cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán và đòi hỏi từng bước phải đổi mới công tác kiểm toán cho phù hợp với cải cách tài chính công. Vì vậy, các quốc gia cần đẩy mạnh việc cải cách tài chính công, bao gồm cả cải cách kế toán công, thường xuyên xem xét để sửa đổi, hoàn thiện Luật Ngân sách Nhà nước và các vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa. Thứ ba, KTNN có vai trò rất quan trọng trong quản lý chi tiêu công, nhưng KTNN không phải là công cụ kiểm tra duy nhất đối với chi tiêu công, vì vậy, cần có sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc sử dụng kết quản kiểm toán để giám sát tài chính công và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội. Thứ tư, KTNN cần được đảm bảo và tôn trọng tối đa tính độc lập, khách quan. Kết luận kiểm toán thể hiện tư cách, tư thế, quan điểm và cái nhìn độc lập của chủ thể kiểm toán.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/tabid/57/channelid/734/newsid/154556/default.aspx