Tăng viện phí, chất lượng có tăng?

Theo lộ trình thực hiện Thông tư số 02 của Bộ Y tế, 30 tỉnh, thành bắt đầu tăng viện phí vào tháng 8-2017, trong đó Hà Nội sẽ triển khai từ ngày 1-8. Điều này sẽ tác động đến những người không có bảo hiểm y tế (BHYT) ra sao, và liệu tăng viện phí thì chất lượng khám, chữa bệnh có tăng?

Vẫn còn gánh nặng với người bệnh

Không ít người mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, đã khiến gia đình rơi vào tình trạng nghèo hóa nhanh chóng, nhất là khi họ không có thẻ BHYT. Điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì bệnh viêm màng não mủ, bệnh nhân Lê Hồng T (35 tuổi, Vĩnh Phúc) phải thở máy qua nội khí quản, và làm rất nhiều xét nghiệm hằng ngày khác. Do không có thẻ BHYT nên bệnh nhân phải chịu 100% chi phí điều trị. Vợ bệnh nhân cho biết, sau khi nhập viện gia đình đã nộp 10 triệu đồng tiền đặt cọc, số tiền quá lớn so với công việc của hai vợ chồng là thợ xây và công nhân. Bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân T cho biết, thông thường, một bệnh nhân viêm màng não mủ sẽ phải điều trị từ 2 đến 3 tuần. Tính ra chi phí điều trị lên tới hơn 100 triệu đồng. Nếu có thẻ BHYT, bệnh nhân T sẽ chỉ phải đồng chi trả khoảng 20%, tức là khoảng 800.000 đồng/ngày, thay vì phải trả tiền giường, thở máy và chi phí khác lên tới 4 triệu đồng/ngày như hiện nay.

Trường hợp của bệnh nhân Hà Thị M, bị suy tim độ nặng phải nằm điều trị 10 ngày tại Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai. Chi phí điều trị từ 80 đến 100 triệu đồng nếu không có BHYT. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng như bệnh nhân M sẽ phải chịu rất nhiều chi phí điều trị, song do có thẻ BHYT bà chỉ phải đóng 10 triệu đồng.

Theo quy định mới, có ba nhóm dịch vụ cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa là: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; Giá dịch vụ ngày giường điều trị; Giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày.

Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cả nước hiện có gần 82% số người có thẻ BHYT, số còn lại không có BHYT thuộc nhóm người lao động tự do, hộ nghèo. Cụ thể, trong số gần 20 triệu người chưa có thẻ BHYT, có hơn một triệu là người cận nghèo. Với một người không có BHYT khi vào viện thì phải chịu chi phí rất lớn.

Cần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh

Theo lộ trình thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, có 30 tỉnh, thành tăng viện phí vào tháng 8-2017, 15 tỉnh, thành vào tháng 10-2017, trong đó có TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành vào tháng 12-2017. Với Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết áp dụng khung giá y tế mới không BHYT từ ngày 1-8. Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho 1.930 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Vấn đề mà người bệnh quan tâm nhất lúc này là chất lượng khám, chữa bệnh liệu có tăng theo? Bởi thực tế hiện nay, khi vào viện người bệnh phải chi trả nhiều chi phí, nhưng họ vẫn chưa nhận được những tiện ích tương xứng, như phải chờ xếp hàng lâu, nằm ghép giường... Bộ Y tế cho biết, song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy tắc ứng xử nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, cũng như tăng cường giáo dục y đức. Bộ Y tế và các địa phương đã và đang thực hiện đề án giảm tải bệnh viện, bệnh viện vệ tinh, ban hành Thông tư quản lý chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng bệnh viện trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn.

Phía địa phương, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh viện phí lần này giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, như: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ, đồng thời khuyến khích người dân tham gia BHYT. Mặt khác, từng bước thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình của Chính phủ. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh: "Các bệnh viện phải tự mình đánh giá chất lượng, đổi mới cách làm, cách kiểm tra. Nếu trước đây bệnh viện mổ hở, bệnh nhân nằm viện 10 ngày, thì cần lên kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật để rút ngắn thời gian nằm viện. Phải làm sao để quyền lợi của người bệnh tăng lên".

Trước tình hình viện phí tăng, theo nhiều ý kiến chuyên gia, người dân cần và nên tham gia BHYT. Đó cũng là quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã có hiệu lực từ hơn hai năm nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/33691202-tang-vien-phi-chat-luong-co-tang.html