Tạo bước đệm cho phụ nữ phát triển doanh nghiệp

Để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và phát triển bền vững, Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM; do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập) triển khai Dự án “Nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho doanh nhân nữ”.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng trước đây thuộc hộ có thu nhập thấp của huyện Nam Đàn (Nghệ An). Nguồn thu chủ yếu của gia đình bốn nhân khẩu là từ đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chị tại một công ty thủy sản ở tỉnh. Khi công ty giải thể, vợ chồng chị phải nghỉ việc và gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm mới. Sau đó, chị Hồng quyết định theo nghề sản xuất tương Nam Đàn, vốn là một sản phẩm truyền thống nổi tiếng của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. May mắn, từ năm 2008 gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn của TYM, với việc vay vốn không cần thế chấp lên đến 30 triệu đồng và việc hoàn vốn được chia nhỏ hằng tuần nên hoàn trả dễ dàng. Nhờ vậy chị có thể mua thêm nguyên vật liệu và đầu tư thêm máy móc, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, chị được tham gia lớp đào tạo về tài chính của TYM - nơi chị bắt đầu làm quen với kiến thức về kinh tế để biết cách quản lý tài chính, xây dựng ngân sách cho mô hình kinh doanh của mình. Những buổi sinh hoạt chuyên đề, đào tạo về kỹ năng mềm của TYM giúp chị nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo, trở nên tự tin hơn để làm chủ công việc kinh doanh.

Trong quãng thời gian khởi nghiệp, chị Nguyễn Phương Thanh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cảm thấy bế tắc, đó chính là việc bắt đầu tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm và tìm nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Sản phẩm mà chị hướng tới là sản xuất viên nén mùn cưa để tạo ra năng lượng thân thiện với môi trường. Sau nhiều lần nghiên cứu, chị cùng người thân trong gia đình sáng chế thành công dây chuyền máy móc sản xuất viên nén và bếp đun không khói.

Qua tìm hiểu, năm 2012, chị được tiếp cận với vốn vay của TYM. Từ những đồng vốn vay đầu tiên này cùng với tất cả vốn liếng vay mượn từ người thân đã giúp chị đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ra thị trường. Đến nay, khi đã tham gia TYM được 5 năm, trở thành thành viên trưởng thành của TYM với quy mô nhà xưởng lên tới 600 m2 và 15 nhân công, sản phẩm của gia đình chị Thanh được người tiêu dùng ưa chuộng, mở rộng tiêu thụ không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố từ bắc vào nam như: Yên Bái, Lạng Sơn, Đà Lạt, Bình Dương... “Đối với chúng tôi, khó khăn bây giờ chính là việc điều hành, duy trì hoạt động mô hình một cách khoa học và đem lại hiệu quả, phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh lâu dài với việc không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, đồng thời đổi mới sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng và nhu cầu của thị trường”, chị Thanh cho biết.

Tạo kết nối cho các doanh nghiệp

Vừa qua, tổ chức TYM khởi động dự án “Nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho doanh nhân nữ”. Tổng Giám đốc TYM Dương Thị Ngọc Linh cho biết: Dự án kéo dài đến tháng 7-2018, mục tiêu hỗ trợ 200 phụ nữ thuộc năm tỉnh: Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên, Nghệ An nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ. Đây là những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao trong những năm gần đây, song song với đó là một lượng lớn hộ gia đình không còn đất nông nghiệp, buộc phải chuyển đổi ngành nghề hoặc rời nhà lên thành phố làm thuê.

Được biết, đối tượng được thụ hưởng dự án là phụ nữ quản lý mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh - sản xuất ngành nghề thủ công và đại lý buôn bán với quy mô từ ba lao động thuê mướn thường xuyên và doanh thu năm 2016 thấp nhất là 300 triệu đồng, ưu tiên phụ nữ dưới 35 tuổi. Về nâng cao năng lực, học viên sẽ được tham gia hai khóa đào tạo gồm các nội dung cơ bản và nâng cao. Nội dung khóa 1 bao gồm: đặc thù của doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ quản lý, quản lý nguồn nhân lực, phân công công việc, kỹ năng làm việc nhóm/điều hành nhóm... Sau hơn bốn tháng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời có sự tư vấn trực tiếp của cán bộ TYM, học viên tham gia khóa 2 với các nội dung như: Chia sẻ thực tế của một doanh nhân đã thành công và tham quan thực tế một doanh nghiệp nhỏ của phụ nữ, bài học kinh nghiệm từ các bài tập thực hành, định vị thị trường, định vị doanh nghiệp, kỹ năng đào tạo lao động... Ngoài ra, dự án kết nối doanh nhân nữ với nhau và với Hội đồng Nữ doanh nhân, giúp phụ nữ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác.

Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) Hà Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: Ở địa phương có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ do chị em quản lý, tuy nhiên nhiều người không có kinh nghiệm cho nên chưa phát huy hết khả năng cũng như nắm bắt nguồn lực sẵn có trên địa bàn. Hiện tại, ở xã có nhiều mô hình do chị em tạo dựng hoạt động hiệu quả nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra gắn kết chị em để tạo nên hệ thống sản xuất, kinh doanh. Chị nói: “Chúng tôi hy vọng, dự án không chỉ nâng cao năng lực và quyền năng kinh tế, mà rộng hơn là tạo thêm việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta”.

Bài và ảnh: Minh Châu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34094102-tao-buoc-dem-cho-phu-nu-phat-trien-doanh-nghiep.html