Tạo đột phá trong trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Ngày 9-12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ luôn phát triển không ngừng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Do vậy, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp xúc tiến, tạo đột phá trong trao đổi thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư - kinh doanh để đưa kim ngạch hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam ủng hộ và khuyến khích các công ty dầu khí của Ấn Độ tham gia vào lô dầu khí mở tại thềm lục địa của Việt Nam; đề nghị các đối tác Ấn Độ nghiên cứu những cơ hội hợp tác khác là thế mạnh của Petrovietnam; mong muốn Ấn Độ giới thiệu và tạo điều kiện để Việt Nam tham gia hợp tác tại các dự án dầu khí tiềm năng ở Ấn Độ và các nước thứ ba.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ vui mừng trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự 2 phiên họp của Thượng viện và Hạ viện Ấn Độ. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định Ấn Độ ủng hộ việc đàm phán và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Narendra Modi cho biết, các nhà đầu tư Ấn Độ rất ấn tượng về môi trường đầu tư của Việt Nam; đồng thời khẳng định ủng hộ các nhà đầu tư Ấn Độ đến Việt Nam sản xuất, kinh doanh.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ, ngày 10-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp đồng chí Sudhakar Reddy, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Ấn Độ là mối quan hệ gắn bó và tin cậy trên cơ sở mục tiêu, lý tưởng chung. Ghi nhận và trân trọng sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Ấn Độ đối với chủ trương của Chính phủ Ấn Độ tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng vì thời gian gần đây, hai đảng đã tích cực thực hiện trao đổi đoàn các cấp, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai đảng cũng như sự đoàn kết, thống nhất và nâng cao hiệu quả hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

* Cùng ngày, tại thủ đô New Delhi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có cuộc gặp với Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi.

* Sáng cùng ngày, tại thủ đô New Delhi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal Greetesh Sharma.

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp với các thành viên Quỹ Ấn Độ tại thủ đô New Delhi; tiếp ông Dinesh Kumar Sarraf, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh.

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” và sự gia tăng hiện diện, kết nối của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á; ủng hộ Ấn Độ có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới; mong Tổng thống Pranab Mukherjee tiếp tục quan tâm chỉ đạo để quan hệ hai nước ngày càng phát triển, trong đó có quan hệ giữa hai Quốc hội.

Tổng thống Pranab Mukherjee cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam cần tăng cường hợp tác kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020; mong muốn, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chiến dịch “Make in India” do Chính phủ Ấn Độ phát động; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nhắc lại lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông, theo đó không quân sự hóa, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối bất cứ nước nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông, làm cản trở an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.

HNM

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-ngoai/857507/tao-dot-pha-trong-trao-doi-thuong-mai-viet-nam---an-do