Tạo đột phá từ ứng dụng công nghệ thông tin

Trong 9 tháng qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội được triển khai toàn diện, thực hiện hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực...

Trong đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, mang tiện ích đến với người dân đã giúp Thủ đô tiếp tục đạt kết quả khả quan trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo được sự hài lòng của người dân.

Từ ngày 10/8/2016, cùng các phường, xã khác trên địa bàn TP Hà Nội, các phường của quận Hai Bà Trưng đã chính thức vận hành DVC trực tuyến mức độ 3 để tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực tư pháp. Qua một năm, bộ phận một cửa cấp quận đã tiếp nhận và giải quyết 2.930/2.948 thủ tục, đạt 99,39%; cấp phường: 7.591/7.607 thủ tục, đạt 99,79%.

Cán bộ bộ phận một cửa BHXH TP Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. Ảnh: NC

Đồng thời, các phường đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giúp người dân có thể đăng ký ở nhà mà không phải ra phường. Ông Nguyễn Văn Kỳ (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Gần đây, tôi ra UBND phường làm TTHC, luôn được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn nộp trực tuyến và hẹn trả kết quả sớm, rất đơn giản, nhanh gọn.

Tôi thấy đây là cải cách lớn, rất tiện lợi, giúp người dân đỡ đi lại nhiều, lại tránh được nhũng nhiễu từ phía cán bộ, nên mong chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết, sử dụng dịch vụ”. Đây cũng là nhận định chung của đa số người dân khi đến các phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng để thực hiện các giao dịch hành chính.

Dù các địa phương không ngừng nỗ lực, nhưng vẫn còn một số vướng mắc mà theo cán bộ cơ sở, cần sớm được tháo gỡ thì mới đẩy nhanh thực hiện DVC trực tuyến mức 3, 4. Trong đó, phần mềm Esam còn nhiều lỗi, nên đăng nhập rất mất thời gian.

Hàng tháng, các phường đã báo cáo quận và Thành phố, nhưng chưa được khắc phục đáng kể, Thành phố cần tăng biện pháp đảm bảo vận hành tốt. Bên cạnh đó, để công tác CCHC đạt hiệu quả cao nhất cũng cần có sự tham gia tích cực của người dân, nhất là đối với DVC trực tuyến mức 3, 4.

Cùng với quận Hai Bà Trưng, một số cơ quan, đơn vị đã chủ động, có nhiều sáng kiến, cách làm hay về CCHC được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận như: Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, triển khai Đề án “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình “3 không, 4 luôn”; Quận Bắc Từ Liêm triển khai lịch công tác điện tử; Sở Y tế đang đã triển khai ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân Thành phố; Đã hoàn thành triển khai cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố…

Ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên… đã triển khai và đang vận hành tốt nhiều khu dân cư điện tử, điểm truy cập internet miễn phí tại địa bàn dân cư. Đặc biệt, quận Ba Đình đang triển khai dựng clip giới thiệu dịch vụ công trực tuyến tại phường, đưa lên YouTube, Facebook...

Tất cả đều nhằm dần tạo thói quen, tiến tới người dân tự nộp hồ sơ bằng máy tính hay smartphone ngay từ nhà, nơi làm. Đáng chú ý, các phường ở quận Long Biên, Nam Từ Liêm đã thực hiện áp dụng DVC trực tuyến mức 4 trong tiếp nhận giải quyết TTHC và trả kết quả tại nhà được nhân dân đánh giá cao.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian thực hiện TTHC. Hà Nội hiện đứng đầu về số hồ sơ giao dịch qua mạng, là địa phương duy nhất cung cấp DVC mức 3 về tư pháp đồng bộ tới 100% xã/phường, có liên thông với Bảo hiểm xã hội và Công an trên cơ sở khai thác dữ liệu dân cư.

Năm nay, Thành phố phấn đấu hoàn thành ít nhất 55% DVC trực tuyến đạt mức độ 3. Trong đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là khâu đột phá trong các tháng cuối năm, với những giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả DVC trực tuyến mức 3, tăng DVC trực tuyến mức 4.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-dot-pha-tu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-60203.html