Tạo sức bật mạnh mẽ

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng đô thị.

Kết quả ấy đến từ việc xác định đúng các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sức bật mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, từng bước khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

Đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn

Năm 2023, năm thứ ba Hà Nội thực hiện chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, TP xác định tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, biến thách thức thành cơ hội, đề ra những giải pháp cho từng thời điểm cụ thể, đi kèm với những chính sách, cơ chế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Hoài Đức, tháng 6/2023. Ảnh: Thanh Hải

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Hoài Đức, tháng 6/2023. Ảnh: Thanh Hải

Trên tinh thần 3 “rõ” (rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm, rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ), ngay từ đầu năm, các đơn vị của TP đã vào cuộc với đồng bộ các giải pháp trong thực hiện các nhiệm vụ.

Với kết quả 18/23 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch (giảm số hộ nghèo; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm); thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm… là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của TP.

TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đến ngày 15/11/2023, TP đã giải ngân được 30.133,7 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch T.Ư giao (46.956 tỷ đồng) và 56,7% kế hoạch TP giao (53.105 tỷ đồng). Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch TP giao và 103,5% kế hoạch T.Ư giao.

TP tiếp tục xác định, nội lực của nền kinh tế có sự cố gắng lớn của cộng đồng DN, các hộ kinh doanh. Bởi thế, một trong những vấn đề Hà Nội tập trung trong năm 2023 và tạo thành điểm nhấn là TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN.

Trong đó, TP tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Qua đó, giúp Hà Nội giữ được đà tăng trưởng, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

GRDP năm 2023 của TP ước tăng 6,27%, dù thấp hơn kế hoạch đã đề ra nhưng quý sau tăng cao hơn quý trước và gấp 1,43 lần mức tăng trưởng chung của cả nước cho thấy những bứt phá sau những năm khó khăn bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, đầu tư xã hội tăng 9%, vốn FDI gần 2,9 tỷ USD, tăng 62,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; có gần 26.500 DN thành lập mới (tăng 6%).

Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, như con số thống kê của 10 tháng, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 20,7 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022, dự kiến cả năm sẽ đạt 24 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 76.300 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả ấy có được bởi TP đã kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như mở rộng và thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ, tổ chức vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour...

Đặc biệt, các lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới.

Sự phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội đã góp phần đưa thu ngân sách TP dự kiến đạt hơn 400.000 tỷ đồng, ước vượt 13,5% dự toán, bảo đảm cân đối chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu ước 17,3 tỷ USD, tăng 1,0%; chỉ số CPI dự kiến dưới 4,5%, đạt mục tiêu đề ra.

Phát triển hạ tầng, nâng chất lượng sống cho người dân

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực quản lý đô thị, an sinh xã hội tại Hà Nội cũng khởi sắc. Nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đã được khởi công hoặc hoàn thành trong năm 2023. Điển hình nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công ngày 25/6/2023.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các học viên khảo sát tại bộ phận “một cửa” UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm ngày 17/6/2023. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các học viên khảo sát tại bộ phận “một cửa” UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm ngày 17/6/2023. Ảnh: Phạm Hùng

Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Tuyến đường được coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Bởi sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là "lối thoát" cho ùn tắc giao thông của Hà Nội.

TP cũng đã công bố triển khai Dự án TP thông minh Bắc Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Dự án sẽ áp dụng những tinh hoa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, hướng tới một mô hình TP bền vững nhờ sống xanh và ứng dụng công nghệ hiện đại, nơi người dân sẽ không chỉ là những khách hàng sử dụng dịch vụ mà sẽ chung tay xây dựng một cộng đồng bền vững.

Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền sau 1 năm triển khai thực hiện, TP Hà Nội đã thực hiện phân cấp trong 16 ngành, lĩnh vực tương đối ổn định, nền nếp, vận hành thông suốt. Đối với 9 lĩnh vực điều chỉnh quy định phân cấp tại Đề án theo hướng phân cấp cho cấp huyện, TP đã chuyển kinh phí hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện thực hiện theo phân cấp tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 (hỗ trợ mục tiêu đầu tư xây dựng, cải tạo trường THPT 3.022,5 tỷ đồng; hỗ trợ mục tiêu đầu tư chợ theo quy định là 160 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn 3 xã của huyện Ba Vì là 160 tỷ đồng). Việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần giải phóng nguồn lực đối với các quận, huyện có tiềm lực; đã có 14 quận, huyện, thị xã đã đề xuất và được HĐND TP chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 55 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp TP với tổng kinh phí 22.674,21 tỷ đồng; trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 45 dự án, với kinh phí là 18.923,829 tỷ đồng.
Với các thủ tục hành chính, đến nay, UBND TP có phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,36%; trong đó 613 thủ tục hành chính đề xuất mới và tiếp tục thực hiện 91 thủ tục đã được phân cấp, ủy quyền; phê duyệt quy trình nội bộ 574 thủ tục hành chính, đạt 100%. Từ đó đã thực sự tạo bứt phá trong cải cách hành chính, với sự hài lòng của người dân và DN là thước đo.

TP cũng tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông - một trong những khâu đột phá. Đến nay, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được khánh thành; đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; đang đôn đốc tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao); đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.

Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tích cực rà soát, xử lý dứt điểm. TP cũng duy trì cảnh quan, các dịch vụ đô thị và nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Hà Nội cũng đang làm tốt công tác an sinh xã hội. Giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những chỉ tiêu vượt kế hoạch, giảm 34,4% so với năm trước (kế hoạch là đạt 30%). Văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển với kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp TP; 623 cấp huyện).

Một điểm nhấn nữa năm vừa qua chính là những bước tiến vượt trội trong ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý, để hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân, DN tốt hơn. TP đã triển khai gần 39.000 chữ ký số được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.

TP cũng đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hình thành trục mô hình “Chính quyền số - Công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Đồng thời với việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, TP đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là sửa đổi Luật Thủ đô và các quy hoạch để định hướng dài hạn phát triển Thủ đô trong tương lai.

Hà Bình - Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-suc-bat-manh-me.html