Tập đoàn kinh tế lo cạnh tranh với đối thủ ngoại

Thực hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo làm quyết liệt việc rà soát, sắp xếp lại các DN thuộc bộ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung vốn để tăng năng lực cạnh tranh.

Các kỹ sư của Lilama. (LĐ) - Xung quanh việc sắp xếp đổi mới DN Bộ Xây dựng và hình thành thí điểm 2 tập đoàn kinh tế (TĐKT) thời gian qua, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lao Động. - Thưa Thứ trưởng, Bộ Xây dựng đang thực hiện sắp xếp lại các DNNN thuộc bộ, nhưng có vẻ tiến trình này đang chậm lại bởi các DN "nghe ngóng" đề án thành lập TĐKT? - Tiến trình sắp xếp lại các DNNN thuộc bộ đang được tiến hành rất khẩn trương. Trong năm 2008, bộ đã có chỉ thị yêu cầu các DN thực hiện việc rà soát lại kế hoạch đầu tư phát triển, yêu cầu các DN không chạy theo mục tiêu tăng trưởng đã đăng ký, mà phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Qua quá trình sắp xếp, bộ đã giảm đầu mối DN thuộc bộ quản lý từ 28 đơn vị xuống còn 15 đơn vị, trong đó 14 TCty và 1 Cty độc lập. Đến nay đã hoàn thành CPH 335 DN và bộ phận DNNN, trong đó hoàn thành bàn giao giá trị DN của 320 DN và bộ phận DN sang Cty cổ phần; đã có 242 DN cổ phần đăng ký Cty đại chúng; 93 DN niêm yết trên sàn giao dịch CK. 13 TCty thuộc bộ được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Cty mẹ-con, từng bước kiện toàn về nhân sự, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đối với việc thành lập thí điểm các TĐKT, sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh lại đề án thành lập 2 tập đoàn trong lĩnh vực CN xây dựng và cơ khí nặng và TĐKT hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS. Các đề án này đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.2009. - Quá trình CPH các DN ngành xây dựng cũng cho thấy tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DN hiện cao hơn ngưỡng quy định tại NĐ 09 của Chính phủ? - Đánh giá một cách khách quan quá trình sắp xếp lại các DNNN thuộc Bộ Xây dựng cho thấy: Giá trị vốn nhà nước được tăng lên từ 4.785 tỉ đồng tăng lên 10.523 tỉ đồng, bằng 2,2 lần so với giá trị trong sổ sách; huy động vốn ngoài xã hội cho DN khoảng 8.000 tỉ đồng, chưa kể vốn huy động do phát hành thêm cổ phiếu... Các DN sau CPH đều có chuyển biến tích cực thể hiện ở các chỉ tiêu: Doanh thu tăng 12,2%; lợi nhuận trước thuế tăng 140,8%; nộp ngân sách tăng 35,7%; tỉ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ tăng 31,42%; thu nhập của người lao động tăng 19,59%; cổ tức đạt bình quân 14,43%/năm... Khả năng thanh toán có chuyển biến, trong 3 năm 2006-2008, hệ số thanh toán tổng quát năm 2008 là 1,3 lần, so với năm 2006 là 1,24 lần; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu năm 2008 là 3,36 lần, tuy có cao hơn so với ngưỡng quy định tại NĐ 09, nhưng đã chuyển biến theo xu hướng tốt hơn, giảm 20% so với năm 2006 (4,12 lần); hệ số nợ/tổng tài sản năm 2008 là 0,77 lần, giảm 15% so với năm 2006 (0,81 lần). Tuy nhiên, do các DN xây dựng đang nợ lãi vay ngân hàng lớn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN bị hạn chế. Hiện tổng số nợ vay của tất cả các DN thuộc bộ là 31.500 tỉ đồng với lãi suất bình quân 10%/năm, thì nguyên trả lãi vay đã mất 3.150 tỉ đồng (năm 2008). - Việc bộ đề xuất thành lập 2 TĐKT trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng- cơ khí nặng và kinh doanh BĐS đang có nhiều ý kiến trái chiều. Đã có ý kiến đề xuất của hai hiệp hội Cơ khí và Năng lượng về việc nên cơ cấu lại thành phần 2 TĐ này, phát huy thế mạnh của DN cơ khí, lắp máy trong nước? - Mục tiêu hình thành các TĐKT trong nước là nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các tập đoàn này trong đấu thầu quốc tế, mà kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển đều có các tập đoàn CN xây dựng mạnh. Theo đó, Bộ Xây dựng lấy tiêu chí để tập hợp các DN tham gia TĐCN xây dựng và cơ khí nặng là xuất phát từ vai trò của từng thành viên trong chuỗi giá trị xây dựng công trình. Ở đây, TCty Lắp máy (Lilama) cũng là một "mắt xích" trong chuỗi giá trị, phần lắp máy hiện chiếm sản lượng lớn trong xây dựng các công trình nhiệt điện, ximăng..., nhưng cũng chỉ là một khâu trong quá trình lắp đặt, thi công các công trình. Các TCty sau khi gia nhập tập đoàn vẫn có tư cách pháp nhân, có thương hiệu riêng, hoạt động theo Luật DN. Bộ Xây dựng sẽ chuyển giao phần sở hữu vốn nhà nước cho Cty mẹ tập đoàn sở hữu và Cty mẹ tập đoàn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn khi đầu tư vào các TCty thành viên và các công ty con, công ty liên kết. Việc hình thành các TĐ thuộc bộ theo tôi đánh giá là thuận lợi hơn các TĐKT đã thí điểm trước đây vì các TCty hiện hữu đều đã có bộ máy quy củ, trong khi các TĐKT hình thành từ các TCty 91 phải mất một quá trình hình thành, cơ cấu lại bộ máy bên dưới. - Xin cảm ơn ông. Quỳnh Trang thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/tap-doan-kinh-te-lo-canh-tranh-voi-doi-thu-ngoai/200910/159579.laodong