Tập đoàn Thái muốn đầu tư vào cảng Cái Cui

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ hôm nay, 8-5, Tập đoàn Thoresen (Thái Lan) muốn đầu tư vào cảng biển ở địa phương này thông qua hình thức mua lại ít nhất 65% cổ phần cảng Cái Cui Cần Thơ do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quản lý.

Ông Sigmund Stromme (áo khoác đen) nghe ông Trương Quang Hoài Nam (áo sọc trắng), Phó chủ tịch UBND Cần Thơ giới thiệu vị trí có thể đầu tư logistics. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Sigmund Stromme, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thoresen, cho biết sau khi khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tập đoàn Thoresen đã nhắm tới đầu tư vào thành phố Cần Thơ, cụ thể là cảng Cái Cui. “Chúng tôi nhắm tới cảng Cái Cui vì có vị trí rất thuận lợi, có hệ thống kho bãi logistics. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ của UBND Cần Thơ và các ban ngành địa phương để hợp tác đầu tư”, ông Sigmund Stromme cho biết.

Theo ông Sigmund Stromme, trước khi đến làm việc với UBND Cần Thơ, Tập đoàn Thoresen cũng đã tìm hiểu và được biết Vinalines muốn thoái vốn tại cảng Cái Cui Cần Thơ. “Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin và chờ đến bước bán đấu giá thế nào để đầu tư”, ông nói.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết trong tuần tới, một đoàn doanh nghiệp đến từ Singapore cũng sẽ đến tìm hiểu để đầu tư vào lĩnh vực logistics ở địa phương này.

Ông Sigmund Stromme nói nếu tập đoàn này có cơ hội đầu tư vào cảng Cái Cui Cần Thơ thì sẽ dành số vốn đầu tư ban đầu ít nhất 10 triệu đô la Mỹ để trang bị cho hệ thống cẩu hàng và các trang thiết bị khác nhằm hỗ trợ cho phát triển logistics của cảng.

Tuy nhiên, để Tập đoàn Thoresen bỏ ra khoản vốn đầu tư ban đầu như nêu trên, theo ông Sigmund Stromme, đơn vị này phải là cổ đông chiến lược của cảng Cái Cui Cần Thơ và phải nắm giữ ít nhất 65% cổ phần của cảng thông qua việc mua lại. “Dĩ nhiên, chúng tôi có thể mua nhiều hơn và rất mong điều đó, nhưng ít nhất phải là 65% vì chúng tôi muốn có thể quyết định cho việc tái cơ cấu, khai thác và điều hành cảng hiệu quả hơn”, ông Sigmund Stromme cho biết.

Trước mong muốn của Tập đoàn Thoresen, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý cho quy hoạch khu đất 240 héc ta làm Trung tâm logistics của vùng ĐBSCL (hiện khu đất này nằm gần cụm cảng Cái Cui).

Theo ông Nam, cụm cảng Cái Cui Cần Thơ gồm có Tân cảng Cái Cui do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) quản lý, có chiều dài cầu cảng là 180 mét và cảng Cái Cui Cần Thơ do Vinalines quản lý có chiều dài cầu cảng là 360 mét. “Ở giữa hai cảng có khu đất kéo dài khoảng 400 mét và hiện nay chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cho sáp nhập để thành một cảng lớn của vùng”, ông Nam cho biết.

Như vậy, theo ông Nam, Thoresen có thể có 3 lựa chọn để đầu tư vào địa phương: thứ nhất là đàm phán mua lại cổ phần của cảng Cái Cui Cần Thơ, rồi tham gia để sáp nhập (với Tân cảng Cái Cui) thành cảng lớn; thứ hai là có thể đầu tư vào một vị trí khác; thứ ba, Thoresen có thể đầu tư vào các hệ thống kho và sử dụng cảng Cái Cui.

Ông Sigmund Stromme, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Thoresen, cho biết năm 2010, đơn vị này đã thành lập Công ty Thoresen Vinama Logistics với 15.000 mét vuông kho ngoại quan, nhưng hiện đã có tổng cộng 80.000 mét vuông kho thường và 30.000 mét vuông kho ngoại quan, có thể chứa được 300.000 tấn hàng hóa.

Tập đoàn Thoresen hiện sở hữu 28% cổ phần trong Công ty cổ phần cảng Baria Serece (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cũng đã đầu tư hơn 60 triệu đô la Mỹ vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đơn vị này cũng đã mua lại 100% cổ phần Nhà máy sản xuất phân bón Baconco của Pháp.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159812/tap-doan-thai-muon-dau-tu-vao-cang-cai-cui.html/