Tập trung giám định pháp y về một đầu mối do ngành y tế quản lý

Trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 15/11 về dự án Luật Giám định tư pháp (GĐTP), hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu đồng tình với việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giám định.

Chỉ nên tồn tại một hệ thống giám định pháp y

Tham gia thảo luận về dự án Luật GĐTP, cả hai ĐB Nguyễn Đình Quyền và Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đều cho rằng, chúng ta vẫn coi GĐTP là lĩnh vực chuyên môn hoặc chỉ là bổ trợ cho hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, thực tế GĐTP lại có ý nghĩa quyết định đến việc có bỏ lọt tội phạm hay không, kết luận giám định ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng của con người. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của cơ quan công an và y tế trong giám định pháp y. Qua thực tiễn, công an cấp tỉnh tiến hành giám định pháp y đều làm tốt, ít có trường hợp nào không khách quan. Tuy nhiên, việc cơ quan công an làm giám định pháp y, ngành y tế cũng làm sẽ dẫn đến dàn trải mà không phát huy được hiệu quả. Để tiết kiệm ngân sách, nên quy định một đầu mối giám định pháp y do Bộ Y tế quản lý.

Cần quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan chức năng trong giám định pháp y. Ảnh: ĐA

Nhiều ý kiến của các ĐBQH khi thảo luận về dự luật quan tâm đến nội dung chuyển lực lượng GĐTP của công an tỉnh sang giám định của tỉnh, như vậy là hoạt động GĐTP sẽ giao cho ngành y tế. ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đưa ra quan điểm, nếu tồn tại cả hai hệ thống pháp y sẽ tốn nhân lực vì phải đầu tư cả hai nơi. Ở tỉnh, thành phố chỉ nên tồn tại một hệ thống, tránh đầu tư trang thiết bị không dàn trải. Cần có sự đánh giá hiệu quả thực tiễn để quyết định bên công an hay y tế làm giám định pháp y.

Thận trọng trong việc xã hội hóa GĐTP

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ĐB trong phiên thảo luận đó là quy định về vấn đề xã hội hóa công tác GĐTP. Nhiều ĐB đồng tình với những quy định nhằm xã hội hóa công tác GĐTP, đáp ứng yêu cầu của các nghị quyết về công tác cải cách tư pháp. Tuy nhiên, một số ĐB đề nghị cân nhắc và có bước đi thận trọng, lộ trình cụ thể đối với công tác xã hội hóa GĐTP, vì đây là những hoạt động liên quan đến công tác giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội cho nên đòi hỏi sự chính xác cao. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chia sẻ, việc xã hội hóa giám định pháp y không nên thực hiện ở tất cả các lĩnh vực mà chỉ ở một số lĩnh vực khoa học có thể làm được như giám định AND của Trung tâm Giám định AND và Công nghệ di truyền, một số lĩnh vực giám định về khoa học công nghệ. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, việc xã hội hóa GĐTP phải trừ giám định pháp y, giám định tâm thần...

Nên thành lập quỹ để có nguồn tài chính ổn định cho PCTHCTL

Sáng 16/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL). Hầu hết các đại biểu tán thành ban hành luật này. Nhiều ý kiến ĐBQH ủng hộ việc phải ghi lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá bằng cả hình ảnh, câu chữ trên vỏ bao thuốc lá với diện tích bằng 50% vỏ bao để có tác dụng mạnh đối với người hút. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, cần quy định rõ ngay trong luật việc dành 2/3 diện tích vỏ bao thuốc lá để cảnh báo về tác hại của hút thuốc, nhất là cảnh báo cho người hút biết việc hút thuốc của mình làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác và đó là điều pháp luật cấm. ĐB Bùi Mạnh Hùng cũng đề nghị phải tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, đến mức thuốc lá trở thành mặt hàng xa xỉ, đồng thời phải nhằm được đến đối tượng có thu nhập thấp, như thế mới hạn chế được việc hút.

Về việc thành lập Quỹ PCTHCTL, vẫn còn có một số ý kiến trái chiều, tuy nhiên hầu hết các ĐB tham gia thảo luận đều cho rằng nên thành lập quỹ này để có nguồn tài chính ổn định cho công tác PCTHCTL.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111116103851364p0c61/tap-trung-giam-dinh-phap-y-ve-mot-dau-moi-do-nganh-y-te-quan-ly.htm