Tập trung 'hiến kế' thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH 2017

Thẳng thắn đánh giá kết quả; trăn trở, chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân; tâm huyết, trí tuệ trong bàn thảo các giải pháp khả thi, đại biểu HĐND tỉnh tập trung “hiến kế” thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT- XH năm 2017 tại các phiên thảo luận diễn ra chiều nay (13/7).

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y và Võ Hồng Hải cùng điều hành phiên thảo luận.

Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận

Trong phiên thảo luận đang diễn ra sôi nổi chiều nay, nhiều đại biểu cùng chung nhận định: Kinh tế tỉnh nhà đã phục hồi (tốc độ GRDP tăng 5,16% so với cùng kỳ năm trước) nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, chưa đạt kết hoạch. Đặc biệt kinh tế, đời sống khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp đang chịu những tác động khốc liệt của quy luật kinh tế thị trường, trong khi chúng ta chưa làm tốt công tác dự tính, dự báo và quy hoạch. Vì vậy đã làm cho nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong ngành chăn nuôi lợn và sản xuất vụ xuân năm 2017.

Đại biểu Đặng Quốc Cương

Đại biểu Đặng Quốc Cương (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) trăn trở: Mặc dù đã có sự quan tâm, nhưng trên thực tế việc "giải cứu" lợn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn. Trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm theo quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Đối với việc mất mùa lúa xuân, cần xác định rõ nguyên nhân bệnh đạo ôn, từ đó xác định đúng các bộ giống chủ lực trong nông nghiệp.

Đại biểu Lê Ngọc Huấn

Chung những băn khoăn với thực trạng mất mùa, mất giá trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu huyện Hương Khê) cho rằng, không chỉ cả tỉnh nỗ lực, mà rất cần có giải pháp vĩ mô, hỗ trợ người dân trước những biến động của cơ chế thị trường.

Đại biểu Trần Tú Anh-Giám đốc Sở KH&ĐT (Tổ đại biểu Lộc Hà) cho rằng: Việc giải cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cần phải được xem xét thấu đáo. Vì muốn phát triển sản xuất bền vững, đầu ra sản phẩm ổn định phải xuất phát từ chính tư duy làm ăn của người dân, vận hành theo cơ chế thị trường.

Tìm giải pháp để ngành nông nghiệp một cách phát triển bền vững, theo đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh), hiện nay, đề án một xã phường một sản phẩm được triển khai đang mở ra cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân tích cực tham gia, từng bước đánh giá lợi thế sản phẩm của mình để có sự lựa chọn phù hợp, đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Đại biểu Ngô Xuân Hồng

Ở một trăn trở khác trong phát triển nông nghiệp, đại biểu khách mời Ngô Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, để tăng cường liên kết trong sản xuất, rất cần vai trò của HTX. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động HTX đang mang tính hình thức, phân tán. Cần có sự nghiên cứu, sáp nhập, hậu kiểm các HTX để nâng tâm quy mô,

Ở lĩnh vực văn hóa xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP. Hà Tĩnh) kiến nghị cần đánh giá rõ hơn những hạn chế như: Chất lượng giáo dục chưa thực sự đồng đều giữa các vùng miền, nhất là chất lượng đại trà; giáo dục kĩ năng sống còn hạn chế; Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông Hà Tĩnh - giai đoạn 2012-2020” hiệu quả chưa cao.

Nhìn nhận thực tế thu nội địa mới đạt 43% kế hoạch; thu từ khu vực ngoài nhà nước mới đạt 32% dự toán năm; 12/16 sắc thuế đạt dưới 50% dự toán; 10/13 huyện, thị xã đạt dưới 40% kế hoạch, nhiều đại biểu cho rằng, đây là những con số hiện thực về “sức khỏe” của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Danh

Đại biểu Nguyễn Văn Danh băn khoăn: “Chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu ngân sách của toàn tỉnh là nguồn thu từ khối doanh nghiệp, nhưng thực trạng hiện nay ở Hà Tĩnh, doanh nghiệp hoạt động đang gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khá cao, nhưng doanh nghiệp có phát sinh thuế chỉ đạt 24,8% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký”.

Đại biểu khách mời Hoàng Trung Thông – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, đóng góp của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngân sách chiếm số lượng khá lớn. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của khối doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan, có không ít do chủ quan từ khâu thủ tục vay vốn, hành chính chậm chạp. Đề nghị hỗ trợ về vay vốn, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thuê đất để doanh nghiệp có điều kiện SX-KD, đóng góp vào ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga

Bàn về nhiệm vụ giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển KT- XH năm 2017, đại biểu Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (Tổ đại biểu Can Lộc) đề nghị tăng cường công tác quản lý, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, khai thác triệt để các yếu tố giảm giá hàng hóa dịch vụ theo yếu tố thị trường để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân của năm 2017 dưới 4% .

Nêu ví dụ về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đang có những diễn biến phức tạp, đại biểu Trần Hậu Tám - Tổ đại biểu Thạch Hà cho rẳng: Các vụ tụ tập đông người ra chặn Quốc lộ 1A ở thị xã Kỳ Anh, bao vây trụ sở làm việc của huyện ở Lộc Hà và một số vụ việc khác gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT và hình ảnh tỉnh nhà. Ngành Công an phải làm rõ trách nhiệm của mình trong việc nắm bắt tình hình, xử lý thông tin và có giải pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự.

Đại biểu Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh (đại biểu khách mời) cho rằng, tình hình an ninh trật tự ở khu vực nông thôn đang diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, trộm cắp, bài bạc… Vì vậy, các cấp ngành, tổ chức đoàn thể, nhất là lực lượng công an cần có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi

Đại biểu Hoàng Trung Dũng

Đại biểu Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (Tổ đại biểu Hồng Lĩnh) cũng cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về mặt tôn giáo, tránh tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, gây rối, làm mất ổn định tình hình.

Liên quan đến Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đại biểu Phan Thị Tố Hoa (Tổ đại biểu Thạch Hà) chia sẻ, cử tri rất quan tâm đến chất lượng đánh giá tác động môi trường của dự án này do thời gian đánh giá đã gần 4 năm, nhiều văn bản căn cứ đánh giá DTM đã hết hiệu lực.

Đại biểu Phan Thị Tố Hoa

Đặc biệt, một số nội dung đánh giá còn sơ sài, chung chung như: ảnh hưởng tụt nước ngầm, xử lý độc tố trong quá trình khai thác, ảnh hưởng đến du lịch biển và ngư trường đánh bắt. Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm đến việc chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng ảnh hưởng dự án; lo ngại không đảm bảo điều kiện cho nhân dân vùng tái định cư; tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống và các hệ lụi khác...

Nhìn thẳng vào những khó khăn, hạn chế, tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng kết quả đạt được đã phản ánh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Tạo đà thuận lợi để Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT –XH đã đề ra cho cả năm 2017.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/tap-trung-hien-ke-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-kt-xh-2017/136976.htm