Tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức

Được xác định là địa phương tập trung phát triển ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin (CNTT) của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, phát triển hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngành CNTT trên địa bàn có bước phát triển khá, đem lại doanh thu cao. Thế nhưng, thực tế cho thấy, phát triển CNTT ở TP Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.

Vừa thiếu, vừa yếu

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, tăng 17% so với năm 2015. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với sự phát triển ở lĩnh vực CNTT của một thành phố được xác định là trung tâm kinh tế-khoa học của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Thế nhưng, khách quan đánh giá, ngành CNTT của TP Đà Nẵng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Nguồn nhân lực CNTT từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp; không gian phát triển CNTT chưa đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số, cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng vẫn còn thiếu...

Sinh viên ngành CNTT, Trường Cao đẳng CNTT (Đại học Đà Nẵng) thực hành môn đồ họa máy tính.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, nguồn nhân lực CNTT ở TP Đà Nẵng không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hầu hết số sinh viên mới ra trường chỉ nắm được lý thuyết, kinh nghiệm thực hành và ngoại ngữ rất yếu, buộc các doanh nghiệp phải mất thời gian và kinh phí để đào tạo bổ sung sau khi tuyển dụng. Các doanh nghiệp CNTT rất khó tìm kiếm nhân sự có tuổi nghề từ 5 năm trở lên hoặc có kiến thức CNTT phù hợp với công việc và kinh nghiệm.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có gần 700 doanh nghiệp CNTT, mỗi năm tuyển dụng gần 2.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là một trong những cơ sở đào tạo ngành CNTT trình độ đại học, hằng năm, nhà trường tuyển sinh gần 300 sinh viên. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT được các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động đánh giá rất cao về chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng học hỏi. Số lượng 200 đến 250 sinh viên tốt nghiệp/năm chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Mở rộng hình thức đào tạo

Trước hết phải kể đến nỗ lực của Đại học Đà Nẵng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành CNTT. Đây là một trong những trường đào tạo chính quy ngành CNTT trên địa bàn, với 5 đơn vị đào tạo, gồm: 3 đơn vị đào tạo ngành CNTT trình độ đại học (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm, Phân hiệu tại Kon Tum) và 2 đơn vị đào tạo ngành CNTT trình độ cao đẳng (Trường Cao đẳng Công nghệ và Trường Cao đẳng CNTT). Mới đây nhà trường đã thành lập Khoa CNTT và Truyền thông, dự kiến sẽ tuyển sinh và đào tạo ngành CNTT từ năm học 2017-2018.

TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng cho biết: Để tăng cường đào tạo kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ cho sinh viên, trong những năm qua nhà trường đã mở thêm các chương trình tinh hoa như: Chương trình kỹ sư CNTT chất lượng cao Việt-Pháp, hợp tác với Đại học Polytech Marseille, CH Pháp; chương trình kỹ sư CNTT chất lượng cao tiếng Anh, hợp tác với Đại học Monash, Úc; chương trình kỹ sư CNTT chất lượng cao tiếng Nhật, hợp tác với doanh nghiệp Framgia, Nhật Bản... Thông qua chương trình đào tạo này, sinh viên sẽ nắm chắc hơn về chuyên môn và ngoại ngữ. Sinh viên tham gia chương trình đào tạo này đều có thể chuyển tiếp đến học và nhận bằng ở các trường đối tác nước ngoài. Ngoài ra, để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, như mời chuyên gia từ các doanh nghiệp về giảng dạy và định hướng nghề cho sinh viên; gửi sinh viên đến doanh nghiệp thực tập...

Còn Đại học FPT Đà Nẵng đang thử nghiệm “Mô hình mới trong đào tạo nhân lực CNTT”. Đây là chương trình đào tạo đặc thù theo yêu cầu của FPT Software. Theo đó, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được đào tạo các kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp, giáo dục thể chất, văn hóa và ngoại ngữ theo tiêu chuẩn của Đại học FPT. Không chỉ có vậy, sinh viên còn được thực tập tại doanh nghiệp OJT (On the Job Training). Nhờ vậy, sinh viên đã tham gia vào các dự án thực tế của FPT Software ngay trong quá trình học...

Để xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước và là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ của khu vực miền Trung, UBND thành phố cần quan tâm hơn đến phát triển công nghiệp CNTT; tăng cường các giải pháp đào tạo năng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của ngành này. Các nhà trường, các doanh nghiệp CNTT cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tap-trung-khac-phuc-nhung-kho-khan-thach-thuc-507811