Tập trung nỗ lực phục hồi tăng trưởng

Báo cáo trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát năm 2010 là nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn tái lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

“Năm 2009 có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả nước, tuy còn không ít hạn chế, yếu kém nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá toàn cảnh kinh tế - xã hội năm 2009 khi báo cáo trước Quốc hội (QH) trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6 vào hôm qua, 20-10. Tăng trưởng GDP đạt chỉ tiêu Theo Thủ tướng, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4%/năm từ tháng 4 đến hết năm 2009. Phần lớn doanh nghiệp (DN) đã chuyển sự hỗ trợ này thành sức gia tăng sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm. Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ được điều chỉnh tăng. Vốn đầu tư được tăng thêm, thủ tục đầu tư, xây dựng được cải tiến đã tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng. Đến hết tháng 9, tỉ lệ giải ngân đạt 67,3% - mức cao nhất trong nhiều năm qua. Dù phải giảm các khoản thuế, tăng chi cho kích thích tăng trưởng và an sinh xã hội, song nhờ sớm ngăn chặn được suy giảm, sản xuất kinh doanh đã phục hồi và có bước phát triển. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2009 vẫn đạt khoảng 390.650 tỉ đồng, bằng 100,2% kế hoạch dự toán. Bội chi ngân sách ở mức 6,9% GDP. Tỉ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29,7%, vẫn trong giới hạn an toàn. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,2%, đạt chỉ tiêu QH đề ra. Chưa biến thách thức thành cơ hội Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ 6 yếu kém lớn. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng; cơ cấu kinh tế kém hiệu quả; năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Các DN và cả nền kinh tế chưa chuyển mạnh theo hướng biến thách thức thành cơ hội để cơ cấu lại sản xuất. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Việc điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt dẫn đến việc găm giữ USD, gây căng thẳng không đáng có và cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt trong khi nguồn ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào. Các đại biểu dự ngày khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Ảnh: T. DŨNG Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn lạm phát cao trở lại. Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những “điểm nghẽn” của tăng trưởng. Môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng trong khi bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả còn thấp. Quản lý Nhà nước về chất lượng GD-ĐT còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Chỉ tiêu việc làm, xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch; tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng... Xây dựng lực lượng DN dân tộc “Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại. Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân...” - Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát năm 2010. Năm 2010, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010, Thủ tướng đưa ra 6 nhiệm vụ lớn: Khai thác mọi tiềm năng, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nội lực để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; giảm dần bội chi ngân sách, thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp để ngăn ngừa lạm phát cao và nâng cao tính ổn định của kinh tế vĩ mô; phát triển các lĩnh vực xã hội hài hòa với phát triển kinh tế... Chính phủ cam kết sẽ tạo bước tiến mới trong cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. “Thúc đẩy tái cấu trúc DN, xây dựng lực lượng DN dân tộc. Coi việc tăng giá trị nội địa và xây dựng lực lượng DN dân tộc là phương hướng chủ yếu để nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế ” – Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, từng bước hình thành những DN có tiềm lực tài chính và công nghệ, có thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Một số chỉ tiêu năm 2010 GDP tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931.300 tỉ đồng (106 tỉ USD); bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; dịch vụ tăng khoảng 7,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2009. Bội chi ngân sách 6,5% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%. Tuyển sinh ĐH-CĐ tăng 12%, TCCN tăng 15%o, CĐ nghề và trung cấp nghề tăng 17%. Mức giảm tỉ lệ sinh là 0,2%o. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Tiếp tục các giải pháp thích hợp Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa XII, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nước ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ trước mắt mà cả những năm tiếp sau. Vì vậy, trong thời gian tới, cả nước phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt các thời cơ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, yếu kém, tiếp tục các giải pháp thích hợp để phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công. B.T.Q Không nên quá phụ thuộc dầu thô Chính phủ dự kiến sản lượng khai thác dầu thô giảm 1 triệu tấn, còn 41,41 triệu tấn nhưng với giá bán 65 USD/thùng, thu từ dầu thô vẫn tăng 500 tỉ đồng. Thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, lưu ý: Chính phủ cần xây dựng phương án thu từ dầu thô một cách tích cực cùng với việc điều hành thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hợp lý, bảo đảm an ninh tài chính nếu giá dầu suy giảm. Cần đổi mới phương pháp xây dựng dự toán thu từ dầu thô để bảo đảm sự ổn định của dự toán ngân sách, không để phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô. Xuất hiện tình trạng thiếu lao động ở một số ngành nghề cần nhiều lao động. Trong ảnh: Một dây chuyền của Xí nghiệp May Lê Minh Xuân (Tổng Công ty Dệt May Gia Định). Ảnh: T. THẠNH Các chính sách kích thích kinh tế cũng cần điều chỉnh dừng việc miễn, giảm, dãn thuế. Dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, chuyển sang hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với một số đối tượng để cơ cấu lại nền kinh tế. Chỉ hỗ trợ lãi suất ngắn hạn việc mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Phát triển - đào tạo thiếu đồng bộ Thẩm tra báo cáo của Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Hà Văn Hiền, đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng kinh tế trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh của nền kinh tế. Từ đó xây dựng phương án điều chỉnh tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, cần lựa chọn mô hình tăng trưởng; định hướng xây dựng và phân bổ nguồn lực cho các vùng kinh tế trọng điểm làm đầu tàu; thứ tự ưu tiên phát triển ngành và lĩnh vực. Ông Hiền cảnh báo hiện tượng không bình thường diễn ra từ quý II/2009: Xuất hiện tình trạng thiếu lao động đối với những ngành nghề cần nhiều lao động, như: may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, xây dựng..., nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời điểm nền kinh tế bắt đầu hồi phục, đây không chỉ là hiện tượng mất cân đối cục bộ của nền kinh tế mà bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách đào tạo nguồn nhân lực đã kéo dài trong nhiều năm.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20091020115250478p0c1002/tap-trung-no-luc-phuc-hoi-tang-truong.htm