Tập trung tái cơ cấu, tháo gỡ khó khăn nền kinh tế

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ.

Các ý kiến đều thống nhất, trong năm 2012 và năm năm tới, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và các định chế tài chính.

Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch. Chính vì vậy, nhiều ĐB đề nghị cần đánh giá lại tình hình và cơ cấu phát triển kinh tế thời gian qua, trọng tâm là đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN), trái phiếu Chính phủ (TPCP), đầu tư của DNNN; thực trạng và hạn chế của quy chế phân cấp quản lý đầu tư. Từ đó, cơ cấu lại đầu tư công, đổi mới phân cấp quản lý bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của T.Ư về mục tiêu, định hướng phát triển và cân đối vốn đầu tư, quyết định các chương trình, dự án lớn quan trọng, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các ngành, các địa phương để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đất nước. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chỉ rõ, thực trạng cắt giảm đầu tư công còn tràn lan, dàn đều, không có trọng tâm, trọng điểm. Việc cắt giảm các công trình đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án, công trình liên quan đến giáo dục, đời sống người dân mặc dù tiết kiệm một phần ngân sách nhưng tác động đến nhiều vấn đề về xã hội, chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn. Cơ chế 'xin-cho' gây tác động tiêu cực, phát sinh tình trạng các công trình đáng đầu tư không được đầu tư nên cần giám sát chặt. Trong khi đó, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) lại cho rằng, bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn phải tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dòng vốn hỗ trợ của Nhà nước vào những nơi khó khăn nhất, các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội. Đồng tình với quan điểm nói trên, các ĐBQH kiến nghị, đối với nguồn vốn NSNN và TPCP năm 2012, phải rà soát, ưu tiên cho các dự án đang đầu tư, bố trí vốn theo hướng tập trung cho các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn và hạn chế tối đa việc bổ sung thêm các dự án mới.

Một đòi hỏi cấp bách đặt ra nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, là phải khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện về hoạt động và hiệu quả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn; làm rõ nguyên nhân thua lỗ lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua, từ đó, sửa đổi hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty lớn, bảo đảm nâng cao vai trò của DNNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển. Đồng thời, phải tìm ra 'căn nguyên' chậm trễ trong thực hiện chương trình cổ phần hóa và chuyển đổi sở hữu DNNN thời gian qua. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: 'Sau Hội nghị T.Ư 3, cử tri cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp QH lần này. Việc tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty cần làm công khai minh bạch, công bố thông tin... như các doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán'. Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích, nền kinh tế hướng về chủ trương xuất khẩu nhưng vẫn nhập siêu liên tục dẫn đến nợ nước ngoài tăng, gây áp lực đến tỷ giá, khó kiềm chế lạm phát, vì vậy, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hướng về thị trường trong nước 88 triệu dân hơn là 'hướng ngoại'. Băn khoăn trước thực trạng nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, nhiều ĐB cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm, góp phần tái cơ cấu hiệu quả, thật sự phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Để cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM, các tổ chức tài chính; cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền tệ; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của DNNN, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống NHTM; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Cả nước có hơn 100 NHTM là quá nhiều so với quy mô nền kinh tế, do đó việc cấu trúc lại hệ thống theo hướng sáp nhập, hợp nhất là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, hệ thống NHTM rất nhạy cảm, 'đụng tới nó như đụng vào hàng pha-lê, coi chừng vỡ', nên việc tái cấu trúc cần tiến hành thận trọng. Chia sẻ về vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị, cần đánh giá chất lượng và tài sản hiện có của hệ thống NHTM, qua đó xem xét trường hợp nào cần 'đưa vào bệnh viện để điều trị', khoanh vùng chống lây lan và giảm ngay lãi suất trên thị trường, không để lãi suất huy động lên đến 14%. Một số ĐBQH còn đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu các NHTM và tổ chức tín dụng, từ đó hoàn chỉnh đề án, đồng thời xây dựng chương trình hành động, các bước đi tái cơ cấu đối với hệ thống các NHTM quốc doanh, NHTM cổ phần, các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán...

Một nội dung mới rất quan trọng được Hội nghị Trung ương lần này xem xét và quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm.
(Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng, khóa XI)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/chinh-tr/t-p-trung-tai-c-c-u-thao-g-kho-kh-n-n-n-kinh-t-1.318339