Tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, có chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Công tác phát hiện kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đi vào nền nếp; kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được tăng cường. Đặc biệt, công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch, đề án chuyển đổi vị trí công tác tại cơ quan, đơn vị; tiếp tục rà soát việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với năng lực của từng cá nhân, nâng cao trách nhiệm trong công tác; năm 2023 có 179 trường hợp được chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức và xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách; qua đó tạo sự chuyển biến cả nhận thức và hành động cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về công tác PCTN, TC, lãng phí.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC. Triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai 5 cuộc giám sát theo chức năng được giao.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã kịp thời phản ánh về các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, các vụ án, vụ việc được xã hội quan tâm. Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Trong năm 2023, tòa án nhân dân 2 cấp đã giải quyết 8 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 6 vụ án xét xử theo trình tự sơ thẩm, 2 vụ xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế. Công tác xác minh tài sản, thu nhập triển khai còn chậm; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý chưa nhiều.

Công tác phòng ngừa gắn với công khai, minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, việc giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước chưa phát huy hiệu quả ở một số nơi...

Trên cơ sở kết quả PCTN, TC thời gian qua, cũng như những hạn chế được phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh đã đề ra các giải pháp PCTN, TC; phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp PCTN, TC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm của cán bộ, đảng viên; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, TC.

Tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực nhằm PCTN, TC, nhất là chú trọng lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế; quản lý, sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa; quản lý các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài sản công, ngân hàng, tín dụng, quản lý thuế và công tác cán bộ. Đảm bảo các vụ án, vụ việc khi bị phát hiện đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan tăng cường phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Triển khai kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra KT-XH và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hằng năm.

Đưa nội dung đấu tranh PCTN, TC, lãng phí vào chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm hằng năm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của các cơ quan báo chí; của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC, lãng phí.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/tap-trung-thuc-hien-cac-giai-phap-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc/184347.htm