Tàu Aegis bị đâm bẹp có hệ thống chiến đấu mẫu mực

Được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis mẫu mực, chiến hạm USS Fitzgerald sở hữu sức mạnh công và thủ toàn diện hàng đầu thế giới hiện nay.

Sức mạnh toàn diện

Hải quân Mỹ cho biết, Aegis là sự tích hợp của nhiều thành phần khác nhau, dựa trên một số hệ thống cảm biến riêng biệt để theo dõi các mối đe dọa khác nhau từ mìn, ngư lôi, tàu ngầm, đến các mục tiêu đường không, tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo…

Hệ thống Aegis hoàn chỉnh gồm có radar AN/SPY-1, tìm kiếm mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa chính của hệ thống Aegis. Đây là một hệ thống radar mạng pha đa chức năng, có khả năng giám sát 3 chiều, theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc, cung cấp kênh dẫn hướng pha giữa cho tên lửa đánh chặn SM. Radar AN/SPY-1 được xem là trung tâm của hệ thống chiến đấu Aegis, với 2 biến thể.

Hiện nay, biến thể AN/SPY-1A/B được trang bị cho các tàu tuần dương hạm Ticonderago, biến thể AN/SPY-1D được trang bị trên tàu khu trục cùng lớp với USS Fitzgerald, radar này có thể theo dõi 100 mục tiêu.

Các tàu khu trục và tàu tuần dương của Hải quân Mỹ trang bị hệ thống Aegis có thể bắn hạ hàng chục tên lửa diệt hạm của đối phương, bảo vệ vững chắc cho tàu sân bay và tàu đổ bộ cỡ lớn.

Sự kết hợp của radar SPY-1 và tên lửa hải đối không SM-2/3/6 trong hệ thống Aegis thực sự là sát thủ đối với bất cứ loại tên lửa diệt hạm hiện đại nào của đối phương.

Khu trục hạm USS Fitzgerald được kéo về cảng sau cú đâm kinh hoàng.

Hệ thống chỉ huy và quyết định (C&D) là hệ thống máy tính cực mạnh, phối hợp và kiểm soát một loạt hoạt động phức tạp của hệ thống Aegis. Hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí (WCS), kiểm soát trạng thái của tất cả các hệ thống vũ khí được dùng cho hệ thống Aegis.

Hệ thống kiểm soát bắn (FCS), cung cấp kênh dẫn hướng cho tên lửa đã được radar AN/SPY-1 chiếu xạ. FCS gồm 4 hệ thống radar AN/SPG-62A, hệ thống cho phép chiếu xạ và dẫn đường cho nhiều tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống hiển thị Aegis ADS, là máy tính điều khiển cung cấp hiển thị các hình ảnh phức tạp khác nhau về môi trường chiến thuật. Hệ thống được hiển thị dưới dạng hình ảnh mô phỏng đồ họa.

Với ADS, người chỉ huy có thể quan sát và kiểm soát tình trạng hệ thống như môi trường xung quanh, hệ thống vũ khí và tình huống chiến tranh cụ thể. Sau khi nhập dữ liệu hệ thống sẽ tự động hiển thị thông tin về vị trí của tàu và các hệ thống liên quan. ADS được cập nhật thông tin từ hệ thống C&D.

Hệ thống hoạt động thử nghiệm ORTS, là hệ thống giám sát và thử nghiệm điều khiển máy tính, có khả năng phát hiện các lỗi, cách ly, theo dõi tình trạng và cấu hình lại hệ thống. ORTS tự động đánh giá và hiển thị mức cao nhất các tác động đến hệ thống.

Thông qua bàn phím, người điều hành có thể bắt đầu thử nghiệm, đánh giá hiệu năng của hệ thống, tải các chương trình hay ứng dụng mới vào máy tính của Aegis. ORTS được thiết kết nhằm kiểm soát tất cả các lỗi có thể xảy đối với hệ thống đảm bảo cho hệ thống vận hành một cách chính xác nhất.

Ngoài ra, hệ thống đào tạo Aegis còn cho phép các nhân viên trên tàu Aegis thực hiện đào tạo thông qua các kịch bản chiến tranh. Hệ thống có khả năng ghi lại các tình huống, các sự kiện cụ thể cho việc tự đánh giá. Với loạt tính năng của hệ thống chiến đấu này, Hải quân Mỹ tự tin cho rằng Aegis là hệ thống chiến đấu tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay.

Sức mạnh bị nghi ngờ

Tuy nhiên, giữa thông tin tiết lộ với khả năng thực tế của hệ thống Aegis đang khiến nhiều người nghi ngờ. Đặc biệt sau khi chiến hạm USS Fitzgerald bị tàu hàng Philippines đâm trọng thương vào đêm 17/6 trên vùng biển Nhật Bản khiến con tàu này mất khả năng chiến đấu.

Sẽ không có gì đáng nói về hệ thống Aegis này nếu Mỹ không khẳng định rằng, ngoài khả năng chiến đấu chúng còn có thể đưa ra cảnh báo va chạm khi có vật thể hay một chiếc tàu nào đó bơi gần với mức độ nguy hiểm.

Ngoài ra, khả năng đánh chặn của hệ thống chiến đấu đỉnh cao này cũng không tin cậy như những gì Mỹ công bố. Đặc biệt là trong lần tập trận tại đảo Wake, phía Tây Thái Bình Dương hồi cuối năm 2015.

Cuộc tập trận này được thực hiện với sự góp mặt của nhiều lớp tên lửa đánh chặn bao gồm Hệ thống Chống tên lửa đạn đạo Aegis trên tàu USS John Paul Jones và Hệ thống Tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hệ thống THAAD trên đảo Wake đã dò tìm và tiêu diệt một mục tiêu tầm ngắn đầu tiên, đươc phóng từ máy bay quân sự C-17. Đến lần phóng thử thứ 2, tên lửa SM-3 phóng từ tàu USS John Paul Jones đã bắn trượt mục tiêu và phải để cho hệ thống THAAD đánh chặn ở vòng phòng thủ cuối cùng.

Trong lần phóng tiếp theo, khả năng đánh chặn của chiếc USS John Paul Jones vẫn không khá hơn. Và phải đến lần phóng cuối cùng, Hải quân Mỹ mới thành công trong việc sử dụng tên lửa Standard Missile-2 Block IIIA tiêu diệt tên lửa giả BQM-74E.

Với tỉ lệ đánh chặn thành công 1/3, chính bản thân người Mỹ cũng không dám chắc có chuyện gì xảy ra nếu tình huống diễn tập này là thật và những quả tên lửa không dùng làm mục tiêu tập bắn.

Bất chấp việc có một tên lửa bắn trượt mục tiêu và chi phí của cuộc thử nghiệm lên tới 230 triệu USD, Mỹ vẫn coi đây là lần thử nghiệm thành công: "Đây là một bài thử nghiệm cực kì phức tạp và yêu cầu các lớp tên lửa đánh chặn phải phối hợp cùng nhau nhằm phát hiện, theo dõi, phân loại và tấn công những mối đe dọa từ trên không", vị chỉ hủy cuộc tập trận cho biết.

Clip chiến hạm USS Fitzgerald thương tích đầy mình sau cú đâm kinh hoàng

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-aegis-bi-dam-bep-co-he-thong-chien-dau-mau-muc-3337523/