Tàu chiến liên tiếp gặp nạn: Thế và lực của Hải quân Mỹ ở đâu?

Liên tiếp những vụ va chạm của tàu chiến Mỹ trên biển thời gian qua đã phơi bày những tồn tại trong lực lượng Hải quân Mỹ hiện nay.

Với việc tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56) phải ngừng hoạt động để sửa chữa sau vụ va chạm với tàu chở dầu ở khu vực eo biển Malacca hôm 21/8, Hải quân Mỹ đã tạm mất đi 2 tàu khu trục lớp Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa ở Thái Bình Dương.

Trước khi USS John S. McCain bị loại khỏi đội hình tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, USS Fitzgerald (DDG-62) đã phải rút về căn cứ để sửa chữa sau khi va chạm với một tàu hàng ngoài khơi bờ biển Nhật Bản hôm 17/6.

Tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56). Ảnh: Reuters.

Thời điểm không thể tồi tệ hơn với Hải quân Mỹ

Theo giới quan sát, đây rõ ràng là thời điểm “không thể tồi tệ hơn” đối với Hải quân Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang cần huy động tối đa năng lực phòng thủ tên lửa đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên. Hải quân Mỹ hiện chưa có phương án dự phòng để lấp lỗ hổng mà DDG-56 và DDG-62 để lại khi mà lực lượng tàu chiến của họ đang bị dàn mỏng ở nhiều điểm nóng khác nhau.

Seth Cropsey, Giám đốc Trung tâm Sức mạnh biển của Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Hudson cho biết: "Đội tàu chiến của Mỹ đã bị dàn quá mỏng. Không có những tàu khu trục lớp Aegis thay thế, cung cấp sự đảm bảo chắc chắn trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ phía Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng không ngừng lớn tiếng nói về khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Tác động tổng thể đối với Hải quân Mỹ phải được nghiêm túc đánh giá. Câu chuyện ở đây không chỉ là việc chúng ta mất đi những thủy thủ hay không có phương án thay thế trong những tình huống khẩn cấp mà vấn đề còn đặt ra là phải có sự chuẩn bị cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự”.

Bryan McGrath, Giám đốc điều hành Tập đoàn FerryBridge hoàn toàn đồng ý với đánh giá của ông Cropsey khi cho rằng : “Việc tạm thời không có 2 khu trục hạm mà tôi tin là có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) đã để lại một lỗ hổng lớn trong đội tàu vốn đã quá nhỏ so với nhu cầu cực lớn ở Tây Thái Bình Dương”.

Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách giải thích rằng sẽ không dễ dàng để có thể ngay lập tức khỏa lấp sự vắng mặt của hai con tàu nói trên trong đội hình.

“Với việc đội hình thiếu hụt 2 chiến hạm DDG-56 và DDG-62, Hải quân Mỹ có thể phải từ bỏ một số hoạt động, tăng cường hoạt động của các tàu tuần dương và khu trục hạm khác trong đội hình còn lại hoặc đưa tàu từ Hawaii hoặc đội tàu chủ lực đến để trợ giúp”, ông Clark nói với The National Interest.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, chính việc các tàu chiến Mỹ phải hoạt động nhiều hơn để bù lại việc số lượng tàu trong đội hình bị giảm sút có thể sẽ gây ra những “tác dụng phụ”.

Nguyên nhân do đâu?

Dù cho đến nay, các cuộc điều tra nguyên nhân hai vụ va chạm của các tàu chiến Mỹ với tàu chở hàng mới đang được tiến hành nhưng đã có một số ý kiến cho rằng tai nạn có thể đến từ chính việc các thủy thủ phải làm việc quá sức và mệt mỏi.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác vốn tồn tại từ lâu trong Hải quân Mỹ đó là các quan chức cấp cao thường được coi là “bất khả xâm phạm”. Ông John Schindler, cựu quan chức Hải quân Mỹ và là nhà bình luận của tờ Observer cho biết, Hải quân Mỹ có cách tiếp cận “theo tiêu chuẩn kép” về kỷ luật. Theo đó, các sĩ quan cấp thấp sẽ “hứng chịu mọi kỷ luật” trong khi các tướng lĩnh cao cấp có thể “ngủ yên trong chiếc kén ấm áp của mình”.

Với thực trạng này, trong những năm gần đây, các Đô đốc dường như đã thất bại trong việc định hướng lực lượng Hải quân hướng tới hiệu quả tối đa trong việc thực hiện nhiệm vụ. Điều này đã được minh chứng rõ ràng khi hàng tỷ USD bị cho là lãng phí đổ vào việc phát triển những thứ giống như khu trục hạm hạng nặng Zumwalt.

Chiếc tàu này được mô tả giống như những chiếc tàu vũ trụ “gợi cảm” nhưng không phù hợp để chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc. Vì nhiều lý do khác nhau, Hải quân Mỹ phải tập trung hoạt động tại vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ tới gần đây họ mới tìm cách tăng cường năng lực của các tên lửa đối hạm trên các tàu chiến của mình. Điều này khiến Hải quân Mỹ khó có thể “lấp đầy” khoảng cách về sức mạnh quân sự với Nga hay Trung Quốc trong trường hợp xung đột xảy ra.

Giải pháp nào cho Hải quân Mỹ?

Giám đốc Chương trình Chiến lược phòng thủ và Đánh giá tại Trung tâm An ninh Mỹ mới Jerry Hendrix cho rằng, với việc đẩy mạnh hoạt động của các hạm đội tàu chiến, Hải quân Mỹ có thể tranh thủ thời gian triển khai trên biển để huấn luyện vì không có lựa chọn nào khác.

Ông Hendrix nói: “Điều cần thiết ngay bây giờ là phải cung cấp sự huấn luyện. Nếu như một hoặc hai năm trước đây, chúng ta chỉ cần duy trì hiện diện ở đó nhưng giờ cần sự huấn luyện. Chúng ta cần kết hợp việc tập luyện trong lúc được triển khai để không lãng phí thời gian”.

Theo ông Hendrix, với đội tàu 275 chiếc trong đó có 100 chiếc tàu được triển khai thường trực ở các điểm nóng, Hải quân Mỹ rõ ràng gặp không ít khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực trên biển. Hải quân Mỹ cần phải tăng số lượng tàu hiện có bằng các tàu chiến đa nhiệm nhỏ hơn, rẻ hơn mới có thể giải phóng hoàn toàn năng lực của các chiến hạm tối tân như USS Fitzgerald hay USS John S. McCain.

Với việc tăng cường đội tàu chiến đấu đa nhiệm, các tàu tuần dương và tàu khu trục có thể tập trung vào nhiệm vụ “cao cấp” hơn như phòng thủ tên lửa.

“Chúng tôi cần thêm khoảng 50 – 75 tàu khu trục nhỏ, không kể đến các tàu ngầm tấn công nhanh để có thể khỏa lấp những khoảng trống hiện nay trong đội hình tàu chiến Mỹ”, chuyên gia Hendrix nói.

Mặc dù vậy, để triển khai kế hoạch này rõ ràng không thể chỉ trong ngày một ngày hai. Theo ông Hendrix, những gì Hải quân Mỹ có thể làm lúc này là lập tức đưa tàu khu trục Oliver Hazard Perry vốn đã được cho “nghỉ hưu” trở lại đội tàu như một giải pháp tình thế./.

Hùng Cường/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tau-chien-lien-tiep-gap-nan-the-va-luc-cua-hai-quan-my-o-dau-663200.vov