Tàu cổ Quảng Ngãi (kỳ 2): 'Vớt' dễ, 'bày' khó

Nên trục vớt, phục chế tàu cổ Quảng Ngãi để trưng bày trên cạn hay... tiếp tục đặt dưới nước và tổ chức những tour lặn biển để đưa du khách tới thăm? Đó là câu hỏi đang được đặt ra với giới khảo cổ và cả... những người làm du lịch tại Quảng Ngãi?

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, đây là chiếc tàu cổ được đóng vào giai đoạn thế kỷ 13, 14. Và, đáng chú ý, so với 5 con tàu đắm từng được khai quật trước đó, (tại Quảng Nam, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau), tàu cổ Quảng Ngãi là trường hợp duy nhất còn giữ được hình dạng tương đối nguyên vẹn so với kết cấu ban đầu.

Bởi vậy, sau khi toàn bộ kho cổ vật trên tàu đã được trục vớt, ý tưởng vớt "nốt" xác tàu cổ lên bờ để tiếp tục nghiên cứu, cũng như phục vụ khách du lịch, bắt đầu được đặt ra.

"Bày" kiểu nào cũng... hay

Là chuyên gia đầu ngành hiện nay về khảo cổ dưới nước, TS Nguyễn Đình Chiến, (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN) đã có mặt trong hầu hết các đợt khai quật tàu cổ tại VN trong vòng 15 năm qua. Theo ông, tàu cổ Quảng Ngãi có niên đại tương đối sớm so với 5 tàu cổ từng khai quật, tuy nhiên các lớp gỗ vẫn ở tình trạng tương đối tốt.

Gốm sứ trong tàu đắm được đưa vào các thùng xốp để chuyên chở về kho của Bảo tàng Tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Việt.

"Khiếm khuyết lớn nhất của chiếc tàu dài 20m, rộng 5,6 m này là việc có vệt cháy lớn, kéo dài từ khoang số 4 tới khoang số 7 trên tổng số 17 khoang của tàu" - ông Chiến nói thêm. (Vệt cháy này tạm thời được coi là nguyên nhân khiến tàu cổ bị chìm).

Như vậy, trong trường hợp muốn phục chế ở tình trạng nguyên vẹn để phục vụ tham quan, tàu cổ Quảng Ngãi sẽ phải rã mặn để bảo vệ vỏ gỗ, đồng thời xử lý để dựng lại phần khoang bị cháy.

Theo phân tích về kĩ thuật, nếu có đủ kinh phí, việc trục vớt tàu cổ là điều khả thi trong trình độ kĩ thuật của VN hiện nay. Nếu áp dụng cách làm phổ biến trên thế giới, sau khi hút nước và thổi cát, một hệ thống vỏ phao khổng lồ sẽ được lắp vào thân tàu. Tiếp đó, cùng với việc dẫn hơi vào hệ thống vỏ phao, tàu cổ sẽ được "đẩy" dần lên khỏi mặt nước. Trong trường hợp khác, để thuận tiện cho việc phục chế, tàu cổ sẽ được quay phim từ mọi góc độ và phân tích để lập bản vẽ chi tiết. Tiếp đó, từng kết cấu gỗ của tàu sẽ được gỡ ra, vớt khỏi mặt nước, xử lý gỗ và ghép lại theo bản vẽ.

Khi được trục vớt và phục chế ở dạng "hoàn hảo" như vậy, không cần nói nhiều về giá trị nghiên cứu, cũng như phục vụ du lịch của tàu cổ Quảng Ngãi. Ngược lại, trong trường hợp tiếp tục cố định tàu cổ tại chỗ, phương án tổ chức các tour lặn biển để đưa du khách ra tham quan tàu cũng không phải là ý tưởng tồi. Theo TS Chiến, Nhật Bản, Úc hay một số nước Đông Nam Á vẫn áp dụng cách làm này. Thậm chí, để tăng thêm độ hấp dẫn, một số cổ vật hay đồ dùng của thủy thủ có thể được bày lại trong xác tàu để tạo thành một "bảo tàng ngầm".

"Khi nước rút, tàu cổ này chỉ nằm ở độ sâu 3 - 4m và cách bờ khoảng 100m nên rất thuận lợi để phục vụ khách tham quan"- TS Chiến nói thêm. "Tuy nhiên, tàu cổ Quảng Ngãi đang được vùi cát và bọc một lớp lưới thép khổng lồ để bảo vệ. Chắc chắn, lưới và cát chỉ được "vén" lên theo từng đợt lặn biển của du khách, chứ không thể bỏ đi hoàn toàn".

Chưa có tiền lệ

Ngành khảo cổ VN chưa có tiền lệ bảo tồn tàu cổ ngâm dưới biển 500 - 700 năm. Thậm chí, gần đây nhất, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, Viện Khảo cổ VN cũng phát hiện một thuyền cổ có chiều dài 10m, rộng 1,5m. Tuy nhiên, ý tưởng phục chế, bảo tồn thuyền cổ này cũng sớm… “phá sản”, khi các chuyên gia VN được đối tác nước ngoài báo giá 1 triệu USD để thực hiện.

"Không chỉ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, giới nghiên cứu chúng tôi cũng rất hào hứng với việc vớt lên trưng bày một cổ vật... khổng lồ và hiếm gặp như vậy" – TS Nguyễn Đình Chiến nói thêm. "Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là việc bảo tồn tàu cổ sẽ được tiến hành thế nào và cần nguồn kinh phí bao nhiêu?".

Từng tới thăm Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia tại Hàn Quốc, ông Chiến cho biết, để trưng bày được chiếc tàu cổ Sina vớt từ đáy biển, các chuyên gia tại đây đã mất... 10 năm trời xử lý hóa chất và làm khô vỏ tàu. Tương tự, tại Nhật Bản, để bảo tồn hiệu quả, toàn bộ tàu cổ được đưa vào ngâm trong những bể dung dịch PEG khổng lồ và đóng mở nắp bể bằng hệ thống cần cẩu. Có nghĩa, số tiền bỏ ra để bảo tồn tàu cổ sẽ là rất "khủng".

Thực tế, ngành khảo cổ VN trong những năm qua vẫn chưa có tiền lệ bảo tồn những tàu cổ ngâm dưới biển 500 - 700 năm như vậy. Thậm chí, gần đây nhất, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, Viện Khảo cổ VN cũng phát hiện một thuyền cổ có chiều dài 10 m, rộng 1,5 m. Tuy nhiên, ý tưởng phục chế, bảo tồn thuyền cổ... nước ngọt này cũng sớm… “phá sản”, khi các chuyên gia VN được đối tác nước ngoài báo giá 1 triệu USD để thực hiện.

"Tôi chia sẻ lo lắng này và lãnh đạo Quảng Ngãi cũng khá lưu tâm" - TS Chiến nói - "Ở thời điểm hiện tại, khi chưa thể xác định rõ ràng về năng lực bảo tồn, cũng như kinh phí phải đầu tư, chúng ta nên hết sức thận trọng để tránh việc trục vớt vội vã, gây ảnh hưởng tới tàu cổ".

Được biết, khu vực Bình Sơn, nơi trục vớt tàu cổ này, đã được tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch để xây dựng cảng Dung Quất II. Nhưng, trong lúc chờ dự án này được triển khai, cũng như chờ nghiên cứu và xây dựng được phương án hợp lý để trục vớt tàu, phải chăng lựa chọn hợp lý nhất cho tàu cổ sẽ là cố định tại chỗ và... tổ chức các tour lặn biển cho khách tham quan?

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/tau-co-quang-ngai-ky-2-vot-de-bay-kho-n20130805010426169.htm