Tàu ngầm hạt nhân Nga và Mỹ đối đầu nhau: Điều gì sẽ xảy ra?

Sau thời Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Mỹ có thể coi là đã thống trị lòng biển trong một khoảng thời gian khá dài, trong khi Nga không thể bảo tồn các tàu ngầm do Liên Xô để lại.

Tuy nhiên tạp chí National Interest cho biết, gần đây một đối thủ mới đã nổi lên để thách thức các tàu ngầm Mỹ, đó là tàu ngầm lớp Yasen do Nga chế tạo. Đây là loại tàu được lên ý tưởng chế tạo từ giữa thập niên 1980 tại Cục Thiết kế Trung ương Malakhit, một trong ba nhà sản xuất tàu ngầm chính của Liên Xô. Hoạt động chế tạo tàu đầu tiên của lớp này bắt đầu vào năm 1993 tại xưởng Sevmash, tuy nhiên do thiếu kinh phí, thời gian phát triển đã kéo dài thêm hơn một thập kỷ. Mãi đến năm 2010, tàu mới được hạ thủy và được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Tàu ngầm lớp Yasen của Nga.

Tàu Yasen có chiều dài gần 120m và nặng 13.800 tấn. Thủy thủ đoàn của tàu Yasen gồm 90 người, ít hơn nhiều so với các tàu của Mỹ, cho thấy rằng trên tàu có nhiều thiết bị tự động. Về hình dáng, tàu có nhiều điểm tương đồng với tàu lớp Akula nhưng có tháp chỉ huy cao hơn và có ụ phóng tên lửa thẳng đứng.

Theo một số thông tin, tàu Severodvinsk, tàu lớp Yasen đầu tiên của Nga, có một lò phản ứng hạt nhân OK-650KPM có công suất 200 megawatt, giúp tàu có thể đạt tốc độ 16 hải lý/giờ khi nổi và 31 hải lý/giờ khi lặn. Tàu Severodvinsk có một hệ thống sonar Irtysh-Amfora, cùng một loạt các thiết bị cảm biến gắn tại mũi, hai bên mạn và đuôi tàu, cùng một radar tìm kiếm MRK-50 Albatross.

Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi đường kính 5.333 ly cùng 4 ống phóng khác có kích cỡ 650 ly. Các ống này có thể mang theo các loại ngư lôi định hướng cùng các tên lửa 3M54 Klub có khả năng chống hạm và săn ngầm. Ngoài ra, mỗi tàu lớp Yasen còn có 24 ống phóng tên lửa, có thể khai hỏa tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks.

Trong khi đó, đối thủ chính của tàu lớp Yasen là tàu lớp Virginia của Mỹ. Đây là một loại tàu tốn rất nhiều kinh phí, song rất lợi hại và đang dần trở thành một trong những trụ cột của lực lượng tàu ngầm Mỹ. Với chiều dài 115m, tàu có phần ngắn hơn so với tàu lớp Yasen, song trong lượng lại nhẹ hơn. Tàu cần một thủy thủ đoàn 113 người, sử dụng lò phản ứng hạt nhân SG9 và dùng động cơ phản lực thay vì chân vịt như các tàu thông thường. Tốc độ của tàu vào khoảng 25 hải lý/giờ khi nổi và 35 hải lý/giờ khi lặn.

Giống với tàu lớp Yasen, tàu lớp Virginia cũng có một thiết bị sonar đặt ở mũi tàu. Ngoài ra, hai bên mạn tàu đều mang 3 hệ thống cảm biến sóng âm LWWAA, được thiết kế chuyên để phát hiện các tàu ngầm chạy bằng diesel. Đằng sau nó là một hệ thống dò tìm TB-29A và ở trên tháp tàu ngầm là một thiết bị sonar tần số cao để giúp tàu Virginia có thể tránh thủy lôi của đối phương.

Tàu Virginia chỉ có 4 ống phóng ngư lôi có đường kính 533 ly, có thể phóng thủy lôi định hướng Mk. 48 và tên lửa chống hạm UGM-84 để tiêu diệt các tàu chiến và tàu ngầm của đối phương. Khi phiên bản đầu tiên của tàu được hạ thủy, tàu Virginia chỉ được trang bị 12 tên lửa Tomahawk, tuy nhiên các maaux tàu sau này sẽ được nâng cấp để mang theo 40 tên lửa.

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.

Vậy nếu tàu Yasen và tàu Virginia đối đầu nhau trên biển, bên nào sẽ thắng? Cả hai đều là đỉnh cao của nền công nghiệp đóng tàu ngầm quân sự của Nga và Mỹ và dựa trên những thông số kỹ thuật hiện có, khả năng chiến đấu của chúng là ngang nhau. Tàu Yasen mặc dù chậm hơn tàu Virginia, song nó có thể lặn sâu hơn. Tuy nhiên, hệ thống sonar của tàu ngầm Mỹ lại nhỉnh hơn tàu Nga.

Các loại vũ khí của hai tàu đều ngang ngửa nhau, tuy nhiên tàu Yasen có thể dùng tên lửa Klub để nhanh chóng tấn công tàu của đối phương. Tuy nhiên, tàu ngầm lớp Virginia lại phát ra ít tiếng ồn hơn và với hệ thống sonar vượt trội hơn tàu Nga, nó có thể di chuyển theo cách mà tàu ngầm Yasen sẽ bị lộ vị trí. Trước mắt, các thiết bị sonar của tàu lớp Virginia có thể được nâng cấp định kỳ bằng phần mềm, trong khi Nga chưa thể làm được điều này.

Vào thời điểm hiện tại, khả năng của tàu Virginia đang vượt trội hơn tàu Yasen. Trong tương lai, rất có thể hai tàu ngầm được trang bị thêm các công nghệ quân sự mới và kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã không đầu tư mạnh vào việc phát triển tàu ngầm. Nga hoàn toàn có khả năng bắt kịp Mỹ về công nghệ quân sự và tàu Yasen có thể sẽ mạnh hơn trong thời gian tới.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tau-ngam-hat-nhan-nga-va-my-doi-dau-nhau-dieu-gi-se-xay-ra-post220254.info